Ban đầu, nhà chức trách 2 nước Nga và Ai Cập nghiêng về giả thuyết do trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, hôm 1-11, bắt đầu xuất hiện nghi vấn chiếc Airbus A321 bị đặt bom, nhất là sau khi ông Viktor Sorochenko - giám đốc điều hành Ủy ban Hàng không Liên bang Nga - cho hay máy bay vỡ ra trên không trung. "Thân máy bay tách rời trên không và các mảnh vỡ rơi trên khu vực rộng lớn chừng 20 km vuông".
Người đứng đầu Cục Hàng không Nga (Rosaviatsia), Aleksandr Neradko, cũng nói "mọi dấu hiệu cho thấy máy bay bị vỡ ra trên không, khi đang ở rất cao". Bằng chứng rõ nhất là các mảnh vỡ và thi thể nạn nhân văng xa đến 4-8 km tính từ xác máy bay.
Đoạn clip IS tuyên bố bắn rơi máy bay Nga. Tuy nhiên, nhiều người nhanh chóng nghi ngờ
bởi hình ảnh không rõ ràng và phi cơ rơi xuống không giống chiếc Airbus A321 xấu số.
Nguồn: YouTube
Dù vậy, cả Nga và Ai Cập đều không tin nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) dùng tên lửa bắn rơi máy bay như chúng tự nhận trách nhiệm. Chúng nói rằng đó là sự trả thù cho sự can thiệp của Nga vào Syria để giúp đỡ Tổng thống Bashar al-Assad.
Các chuyên gia tin rằng chiếc Airbus A321 bay đủ cao (9.500 m) để ở ngoài tầm với của tên lửa vác vai mà phiến quân sở hữu. Điều này cũng được nhận định bởi Thủ tướng Ai Cập Sharif Ismail và Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov.
"Muốn bắn tới máy bay ở độ cao đó phải có hệ thống tên lửa phức tạp, đòi hỏi sự huấn luyện và loại khí tài mà IS không có hiện nay, theo như tôi biết" - ông Jean-Paul Troadec, cựu giám đốc Cục Điều tra hàng không pháp BEA, nói.
Tuy nhiên, một quả bom trên khoang không thể bị loại trừ, như tiết lộ của một quan chức hàng không dân dụng Ai Cập với báo The Telegraph. Người này vẫn nghiêng về giả thuyết sự cố kỹ thuật nhưng thừa nhận lúc này chưa thể kết luận được gì. Ông khẳng định viên phi công không thực hiện bất kỳ cuộc gọi khẩn cấp nào, cho thấy máy bay gặp “tai họa bất ngờ”.
Giáo sư Michael Clarke, làm việc cho tổ chức tư vấn chính sách quốc phòng Royal United Services (Anh), nhận định máy bay nổ tung giữa trời trước khi rơi xuống cộng thêm việc phi công không kịp phát bất kỳ một tín hiệu cấp cứu nào cho thấy một thảm họa khẩn cấp đã xảy ra. "Khả năng nổ bom lớn hơn nhiều so với máy bay bị bắn rơi bằng tên lửa từ mặt đất” - ông nói.
Các website theo dõi hành trình bay cho hay máy bay mất độ cao nhanh và rơi xuống gần như thẳng đứng. Hãng Airbus xác nhận máy bay chạm đất chỉ sau 3 phút, giết toàn bộ người trên đó.
Theo cựu nhân viên tình báo Pháp Yves Trotignon, tuyên bố nhận trách nhiệm thảm kịch của IS “khá mơ hồ” vì chúng không nói bắn hạ máy bay mà nói rằng chúng “phá hủy” máy bay. “Điều này làm bạn liên tưởng đến chất nổ trên tàu hoặc phá hoại”.
Chuyên gia quân sự Paul Beaver, cố vấn của Ủy quan Quốc phòng thuộc Hạ viện Anh, cho rằng IS không đủ khả năng bắn hạ một máy bay ở độ cao gần 10.000 m nhưng ông tin "chúng có thể đã gài bom hẹn giờ lên máy bay hoặc sử dụng kẻ đánh bom tự sát”.
Giới phân tích chính trị thì cho rằng nếu cuối cùng phía Nga xác nhận đó là vụ một đánh bom khủng bố của IS, Nga có thể đổ bộ binh ào ạt vào Syria săn lùng IS, làm thay đổi lớn cục diện tại đây.
Hiện trường tai nạn nhìn từ trên cao. Nguồn: RT
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân vụ tai nạn trong khi vẫn phải chờ một cuộc điều tra kỹ lưỡng và toàn diện về mặt kỹ thuật.
Các nhà điều tra đang bắt đầu kiểm tra hộp đen để cố gắng xác định nguyên nhân. Họ hy vọng biết được chút ít thông tin về khoảnh khắc cuối cùng trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.
Hôm 1-11, xuất hiện thông tin chiếc Airbus A321 kể trên (đã hoạt động 18 năm) từng gặp sự cố ở phần đuôi vào năm 2001 khi nó hạ cánh ở Cairo. Tờ The Daily Beast dẫn báo cáo của Tổ chức An toàn Hàng không (FSF) cho biết phần sau máy bay lúc đó “cạ dọc theo đường băng” gây thiệt hại đáng kể và sau đó nó được sửa chữa.
Hãng hàng không Kogalymavia khẳng định chiếc máy bay ở trong tình trạng tốt và hồi năm ngoái mới được bảo trì. Tuy nhiên, cơ phó Sergei Trukachev tỏ rõ sự lo lắng với gia đình về tình trạng máy bay trước khi cất cánh hôm 31-10. Vợ ông Trukachev, Natalya Trukhacheva, xác nhận điều này với truyền hình Nga.
Hiện lực lượng Ai Cập đã thu thập ít nhất 168 thi thể trong số 224 người thiệt mạng. Cuối ngày 1-11, 162 thi thể được máy bay Nga chở từ Cairo về St. Petersburg và có thể đến nơi vào rạng sáng 2-11.
Nạn nhân nhỏ nhất là cô bé Darina Gromova (10 tháng tuổi). Ông bà Aleksey và Tatiana, cha mẹ của Darina, cũng nằm trong số các nạn nhân của thảm kịch, theo RT.
Khi chuẩn bị lên máy bay để trở về Nga, bà Tatiana đã đăng tải lên mạng bức ảnh cô con gái đứng trong phòng chờ, chăm chú nhìn xuống những chiếc máy bay bên ngoài.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, hình ảnh của bé Darina được lan truyền với tốc độ chóng mặt và trở thành biểu tượng thương đau cho vụ tai nạn.
Thu thập vật dụng của các nạn nhân. Nguồn: RT
Đức hôm 1-11 cảnh báo máy bay chở khách của nước này tránh bay qua tuyến đường máy bay Nga gặp nạn ở sa mạc Sinai. Trong khi đó, toàn bộ các hãng hàng không Anh đã dừng bay qua bán đảo Sinai dù Bộ Giao thông vận tải Anh cho phép máy bay bay ở độ trên 7,6 km vào tháng 12-2014.
Bình luận (0)