Đây là nhiệt độ bề mặt thể hiện độ nóng của các sườn sa thạch cộng hưởng bởi địa nhiệt và thời tiết nóng kỷ lục. Hôm 16-7, thị trấn Shanbao hẻo lánh trong vùng trũng Turpan ghi nhận mức nhiệt 52,2 độ C, phá vỡ kỷ lục tại Trung Quốc trước đây là 50,3 độ C.
Hôm 18-7, Bắc Kinh cũng ghi nhận nhiệt độ trên 35 độ C ngày thứ 27 liên tiếp, lập kỷ lục về đợt nóng dài nhất ngay giữa thời điểm Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry hiện diện để thúc đẩy hợp tác chống lại biến đổi khí hậu.
Một du khách Mỹ che chắn ánh nắng gay gắt khi xếp hàng vào thăm đền Pantheon ở Rome - Ý hôm 19-7 Ảnh: REUTERS
Không chỉ Tân Cương mà nhiều khu vực khác ở châu Á, châu Âu và Mỹ cũng chứng kiến hàng loạt kỷ lục nhiệt độ cao mới.
Tại châu Âu, cảnh báo nóng về nhiệt độ ở Ý đã bao trùm 23/27 thành phố trong ngày 19-7. Trước đó một ngày, nhiệt độ trên đảo Sardinia đạt 44 độ C và thủ đô Rome đạt 40 độ C.
Trong khi đó, Hy Lạp vật lộn với đám cháy rừng bùng phát từ hôm 17-7 ở nơi chỉ cách thủ đô Athens 30 km về phía Bắc và hiện lan rộng đến thị trấn Mandra. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực hỗ trợ Hy Lạp khi các điều kiện khắc nghiệt dự kiến kéo dài 1 tuần nữa, theo Reuters.
Thụy Sĩ cũng đang chống chọi với đám cháy rừng ở bang Valais gần biên giới với Ý, bùng phát vào hôm 18-7. Ở Tây Á, nhiều đám cháy rừng hoành hành cùng lúc khắp vùng nông thôn miền Trung Syria, khi nhiệt độ không khí lên tới 40 độ C ở nhiều vùng của đất nước.
Hôm 18-7, Cố vấn cấp cao về nhiệt độ của Tổ chức Khí tượng thế giới - ông John Nairn - cảnh báo sóng nhiệt hiện là một trong những mối nguy hiểm tự nhiên đối với Bắc bán cầu. Đặc biệt, tình trạng này có xu hướng gia tăng về tần suất, thời gian và cường độ.
Một nhà hàng ở Bắc Kinh đặt quạt phun sương bên ngoài để xoa dịu cơn nóng hôm 19-7 Ảnh: REUTERS
Cùng thời gian này, nước Mỹ đang phải đối phó cùng lúc nhiều hiện tượng thời tiết bất thường trái ngược nhau, bao gồm bầu trời ngập khói cháy rừng từ Canada, một vòm nhiệt khổng lồ thiêu đốt khu vực trải dài các bang phía Nam và Tây, từ California đến Florida, với hàng chục triệu người sinh sống và bão Calvin tấn công Hawaii với lượng mưa dự kiến lên tới 200 mm.
TP Phoenix ở bang Arizona đã lập nhiệt độ có mức nhiệt trên 43 độ C ngày thứ 19 liên tiếp trong khi Thung lũng Chết ở bang California chạm mốc nhiệt kỷ lục 50 độ C - đều xảy ra hôm 18-7.
Theo các nhà khí tượng học, hiện có 4 vòm nhiệt thiêu đốt thế giới. Trong đó, vòm nhiệt thứ nhất đang bao trùm miền Bắc Mexico và miền Nam nước Mỹ. Tại Mexico, nhiệt độ có thể chạm mức 45 độ C ở Baja California, Sonora và giữa mức 40-45 độ C ở Baja California Sur, Chihuahua, Coahuila, Nuevo Leon, Tamauilpas, Campeche…
Vòm nhiệt thứ hai tập trung ở Bắc Đại Tây Dương trong khi vòm thứ ba ở Bắc Phi đang hoành hành ở miền Nam châu Âu và Địa Trung Hải. Vòm nhiệt thứ tư ở phía Nam châu Á.
Ngoài ra, ở châu Á, Hàn Quốc vẫn khốn khổ vì lũ với số người tử nạn đã lên tới 44 vào ngày 19-7.
Bình luận (0)