Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 12-8 tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ ngày thứ hai liên tiếp, với tỉ giá tham chiếu của đồng tiền này so với đồng USD giảm tổng cộng 3,5%. Động thái này khiến giá trị đồng nhân dân tệ giảm mạnh nhất trong 2 thập kỷ.
Kéo nhau giảm giá trị
Bước đi trên gây ra quan ngại rằng giá trị tài sản của Trung Quốc kém hấp dẫn hơn, cổ phiếu cũng bớt sức hút trong lúc nguy cơ “chảy máu” vốn đầu tư lại tăng. Hãng tin Reuters đưa tin thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chịu tác động trước hết khi các chỉ số chứng khoán chính ở nước này đồng loạt giảm hôm 12-8. Chịu chung số phận là giá cổ phiếu khắp thế giới.
Ngoài ra, các nhà xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, nhất là hàng xa xỉ, sẽ khó bán hơn do sản phẩm của mình đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng trong nước. Chi tiêu cho du lịch của người Trung Quốc cũng có thể bị tác động khi họ nhận thấy giá trị đồng nhân dân tệ ở nước ngoài thấp hơn. Ở chiều ngược lại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhất là các công ty vải và ô tô, có thể tăng khả năng cạnh tranh và du khách nước ngoài đến nước này hưởng lợi từ đồng nhân dân tệ rẻ hơn.
Để trấn an các thị trường, PBOC khẳng định sẽ duy trì tỉ giá hối đoái ổn định về cơ bản, đồng thời tuyên bố không có cơ sở kinh tế nào để đồng nhân dân tệ giảm giá thêm nữa. Tuy nhiên, tuyên bố này không đủ sức ngăn nhiều đồng tiền ở châu Á kéo nhau đi xuống. Giá trị đồng won của Hàn Quốc giảm 0,8%, đồng đô la Đài Loan giảm 0,3%, đồng rupiah của Indonesia giảm 1,9%, peso của Philippines giảm 0,5%. Đặc biệt, ringgit của Malaysia giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, còn đô la Singapore giảm nhiều nhất trong vòng 5 năm.
Chuyên gia kinh tế Stephen Jen tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết động thái của Trung Quốc có thể khiến nhiều đồng tiền trên thế giới, từ đồng real của Brazil đến rupiah của Indonesia, sụt giảm trung bình từ 30%-50% trong vòng 9 tháng tới.
Không phải tin tốt!
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phá giá nhân dân tệ, nhiều nước châu Á cảm thấy áp lực phải cắt giảm tỉ giá hối đoái, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc những nước đang cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường toàn cầu về xuất khẩu điện thoại thông minh, hàng điện tử tiêu dùng... “Các nước sẽ tìm kiếm tỉ giá hối đoái thấp hơn để duy trì sức cạnh tranh của lĩnh vực xuất khẩu” - nhà kinh tế Lindsey Piegza, thuộc Công ty Dịch vụ tài chính Stifel Nicolaus & Co. (Mỹ), nhận định.
Diễn biến trên khiến dư luận thế giới ngại châu Á có thể chìm ngập trong một cuộc chiến tiền tệ toàn diện khi nhiều quốc gia rơi vào vòng luẩn quẩn của việc giảm giá đồng tiền. Nếu các quốc gia khác trong khu vực cũng phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu và chiếm lợi thế trong hoạt động thương mại, một cuộc chiến tiền tệ là khó tránh khỏi. “Bóng ma chiến tranh tiền tệ gây lo lắng trong ngày 11-8 và hiển hiện trong ngày 12-8” - ông Chris Beauchamp, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Tập đoàn IG (Anh), cảnh báo.
Thực vậy, động thái phá giá nhân dân tệ không phải là tin tốt lành đối với sự tăng trưởng ổn định của kinh tế khu vực. Chẳng hạn, Nhật Bản đang đối phó với tình trạng giảm phát và nền kinh tế nước này đang cố thoát khỏi tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nga ngày 12-8 tuyên bố sự kiện đồng nhân dân tệ suy yếu không ảnh hưởng đáng kể lên tình hình thị trường tài chính nước Nga mà ngược lại sẽ góp phần củng cố đồng rúp.
Cũng có nước vui mừng với động thái của Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan cho rằng đây là tín hiệu tích cực cho hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc, vốn xuất dưới dạng bán thành phẩm và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Trung Quốc.
Giới chính trị Mỹ nổi giận
Hành động phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của các nghị sĩ Mỹ do lo ngại kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực. “Đã đến lúc chính quyền Mỹ chống lại hành vi lừa đảo của Trung Quốc và quy kết nước này thao túng đồng nội tệ” - Thượng nghị sĩ Bob Casey, thành viên Ủy ban Tài chính Thượng viện, tuyên bố hôm 11-8.
Washington lâu nay vẫn cho rằng Bắc Kinh cố tình giữ giá trị nhân dân tệ ở mức thấp để các ngành công nghiệp trong nước hưởng lợi. Một đồng nhân dân tệ yếu hơn làm cho hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc đắt đỏ hơn, từ đó tác động đến doanh số của các công ty Mỹ, đe dọa làm chậm lại quá trình hồi phục của kinh tế nước này. Vì thế, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Portman nhấn mạnh động thái trên một lần nữa nhắc nhở rằng nước Mỹ không thể ngồi yên khi Trung Quốc cứ không chơi đúng luật. Còn Thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown thúc giục: “Washington cần phải bảo đảm các doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ trong cuộc chiến đấu chống thao túng tiền tệ”.
Mạnh miệng hơn, tỉ phú Donald Trump, ứng viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa, hôm 11-8 cảnh báo việc đồng nhân dân tệ mất giá sẽ “tàn phá” nước Mỹ. Nhân dịp này, ông Trump tiếp tục công kích Bắc Kinh “cướp công ăn việc làm” của người Mỹ. Nhiều thượng nghị sĩ còn cảnh báo chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9 tới có thể sẽ không êm ả.Gia Hòa
Tham vọng một mũi tên trúng nhiều đích
Giải thích về việc phá giá đồng nhân dân tệ liên tục trong 2 ngày qua, nhà chức trách Trung Quốc cho rằng đây là một phần kế hoạch cải cách phương thức quản lý tỉ giá hối đoái. Trong tuyên bố của mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết bước đi trên nhằm giữ cho đồng nội tệ “ổn định” về cơ bản và để thị trường đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động cơ đằng sau không chỉ có thế.
Theo đài BBC, nhân dân tệ đã tăng giá trị so với các đồng tiền khác ở châu Á trong 12 tháng qua khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn ở nước ngoài. Hệ quả gây sốc là kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7-2015 của Trung Quốc giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin xấu đối với các nhà máy trong nước, nơi đang cung cấp việc làm cho hàng triệu người dân. Vì thế, các chuyên gia kinh tế cho rằng Bắc Kinh làm suy yếu đồng nhân dân tệ để ngăn chặn nguy cơ sa thải nhân công hàng loạt - một kết cục có thể dẫn đến bất ổn xã hội.
Ngoài hỗ trợ xuất khẩu, đây còn được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Số liệu thống kê mới công bố hôm 12-8 cho thấy tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và bán lẻ đều chậm lại trong tháng 7 qua. Báo The Wall Street Journal dẫn lời các nhà phân tích đánh giá những số liệu kinh tế bi quan nói trên càng thúc đẩy chính phủ Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ. Dù vậy, hầu hết nhà bình luận cho rằng đồng tiền này phải mất giá trị nhiều hơn nữa nếu muốn có tác động thật sự lên nền kinh tế. “Nếu việc phá giá nhân tệ liên quan đến vấn đề thương mại thì giảm vài % không làm thay đổi môi trường cạnh tranh. Chúng ta vẫn chưa rõ những động cơ thật sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc” - ông Jamie Metzl, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nói với đài CNN.
Đó là lý do các nhà phân tích còn nói đến một mục tiêu lâu dài của Trung Quốc: nâng cao quyền lực cho nhân dân tệ, biến nó thành đồng tiền dự trữ toàn cầu, qua đó giúp nước này dễ dàng thực hiện các mục tiêu ngoại giao và củng cố vai trò trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu. Vào cuối năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến quyết định liệu nhân dân tệ có được phép gia nhập “câu lạc bộ” danh giá nói trên, hiện có USD, euro, bảng Anh và yen Nhật. Trong quá khứ, IMF từng nói Trung Quốc cần có chế độ tỉ giá hối đoái linh hoạt và việc phá giá nhân dân tệ có thể là bước đi để làm hài lòng tổ chức này. Trong một phản hồi có thể xem là tích cực cho Bắc Kinh, IMF hôm 12-8 hoan nghênh Trung Quốc cho phép thị trường đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định tỉ giá hối đoái. Tổ chức này cũng cho rằng Bắc Kinh nên đề ra mục tiêu có được chế độ tỉ giá hối đoái thả nổi hiệu quả trong vòng 2-3 năm tới.
Hoàng Phương
Bình luận (0)