Ban Điều tra của kênh truyền hình Al Jazeera vừa công bố một phát hiện động trời: Các công ty lớn ở Anh đã thất bại trong việc ngăn chặn tệ nạn nô lệ dọc theo những đường dây cung ứng “mặt hàng” này. Thậm chí, nhiều công ty lớn đang vô tình sử dụng các nô lệ hiện đại - theo cảnh báo của ông Kevin Hyland, ủy viên chống nô lệ độc lập ở Anh.
Cuộc sống cùng cực
Các nhân công bị lén quay phim khi đang rửa xe cho 2 hãng buôn ô tô Volvo ở các quận Canterbury, Maidstone và nhà buôn xe Kia ở thị trấn Whitstable thuộc địa hạt Kent, miền Đông Nam nước Anh. Đoạn phim bí mật do Al Jazeera thực hiện đã lột tả điều kiện sống và làm việc cực kỳ tồi tệ của các lao động tại điểm rửa xe được 2 hãng Volvo và Kia sử dụng. Lao động rửa xe ở Canterbury - sống trong những container dơ dáy - cho biết họ được trả 50 USD cho ca làm việc kéo dài 12 giờ, đồng thời phải chịu chửi mắng, bị đánh đập và có nguy cơ mất cả tiền lương nếu sơ ý gây ra những hư hỏng nhỏ.
Rất nhiều lao động nô lệ đang hiện diện tại các điểm rửa xe ở Anh Ảnh: AL JAZEERA
Những người từng vô tình làm hư hỏng xe cho biết ông chủ đã khấu trừ tiền lương hàng trăm bảng khiến họ trắng tay nhiều tuần liền. Có người đã phải chịu phạt số tiền lớn vì làm gãy bánh xe chiếc máy hút bụi. Tệ hại hơn, người ta kể chuyện một nhân công rửa xe đã bị đưa lên phòng làm việc của ông chủ và đã bị đấm đá túi bụi. Theo viên quản lý địa điểm này, một nhân công khác từng bị đánh bầm dập hơn. Những người khác thì than phiền chuyện bị rệp cắn và côn trùng quấy phá nơi ăn chốn ở của họ.
Nhiều lao động phải làm quần quật suốt 12-13 giờ mỗi ngày để nhận được số tiền công chưa bằng một nửa mức lương tối thiểu như luật pháp quy định. Họ kể phải làm việc luôn tay và phải trả ít nhất một ngày lương để có được chỗ ở bẩn thỉu trong những container tồi tàn ngay địa điểm làm việc. Hầu hết các lao động này là người Romania, chỉ bập bẹ được dăm ba tiếng Anh hoặc hoàn toàn không biết gì. Thậm chí, một người còn tâm sự ông chủ điểm rửa xe này đã thu giữ giấy tờ đi lại của anh ta.
Một phóng viên đã đến điểm rửa xe trên, đóng giả một khách hàng tiềm năng có đội xe cần rửa. Anh thử đặt vấn đề nô lệ hiện đại với Avion Elezi - 35 tuổi, người gốc Albania, chủ nhân nơi này. Elezi phủ nhận mọi cáo buộc và tuyên bố: “Tôi không bắt ai làm nô lệ cả”. Tuy nhiên, Elezi - mỗi tháng chi 1.000 USD cho chiếc xe Range Rover màu trắng mà anh ta đang sử dụng - đã không cho máy quay chĩa vào điểm rửa xe hay chỗ ở của nhân công. “Tôi chỉ cố gắng kiếm cơm và chăm lo cho gia đình thôi” - anh ta phân trần. Khi được hỏi về nơi ở của các lao động, Elezi chỉ nói họ sống tại địa phương này.
Pháp luật ra tay
Bà Parosha Chandran, luật sư hàng đầu về nhân quyền, nhấn mạnh chứng cứ do kênh Al Jazeera đưa ra cho thấy mọi dấu hiệu của thực trạng nô lệ thời hiện đại. Bà Chandran còn bày tỏ nỗi lo ngại rằng những lao động này là nạn nhân của nạn buôn người. “Điều cực kỳ cần thiết đối với hãng Volvo lúc này là điều tra tất cả mắt xích của đường dây cung ứng lao động. Phải làm rõ nhân thân của những người đang rửa xe kia” - bà quả quyết.
Trong khi đó, một đạo luật công bố ở Anh vào tháng 4 vừa qua đòi hỏi các hãng ô tô lớn phải báo cáo công khai và thỏa đáng rằng họ đang làm những gì để bảo đảm tệ nạn nô lệ không tồn tại trong các hoạt động của mình cũng như các nguồn cung ứng lao động. Thế nhưng, một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy 85% trong số 100 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán London có giá trị cao nhất (FTSE 100) và các công ty hàng đầu khác không hề lưu tâm đến Đạo luật Nô lệ hiện đại một cách thích đáng. Hơn nữa, gần một nửa công ty này không đề cập về nạn nô lệ trên tất cả website của họ. Trong số 20 công ty lớn khác được thăm dò, chỉ 2 doanh nghiệp thừa nhận có biết đạo luật vừa nêu.
“Năm 2015, số người bị bắt buộc lao động đã tăng đáng kể” - ủy viên Hyland xác nhận. Ông nhận định những lao động nằm trong các đường dây cung ứng hợp pháp chiếm tỉ lệ cao. “Hợp pháp hay bất hợp pháp cũng như nhau vì các công ty và cá nhân không nhận thức được rằng họ đang sử dụng nô lệ hiện đại. Tôi đoan chắc rằng chẳng vị giám đốc nào, chẳng công ty Anh nào lại muốn trả tiền cho bọn tội phạm bắt giữ người làm nô lệ thời hiện đại. Thế nhưng, cuộc điều tra nêu trên cho thấy các doanh nghiệp ở Anh đã vô tình tài trợ cho hoạt động tội phạm” - ông nhận xét.
Theo ông Hyland, căn cứ vào các đạo luật mới, mọi người không được phép viện dẫn lý do không biết để bào chữa cho sai phạm của mình. Ông bày tỏ: “Chúng ta đã có Đạo luật Nô lệ hiện đại. Đạo luật này có những điều quy định rằng chúng ta muốn sự minh bạch trong các mạng lưới cung ứng lao động. Vì vậy, không ai được quyền nói không biết gì nữa”.
Kể từ ngày 31-3, mọi công ty ở Anh có doanh thu hơn 51,7 triệu USD đều phải báo cáo về lao động trước cuối năm tài chính này. Ông Steve Chalke, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nạn buôn người, đã lên tiếng thúc giục các nhà đầu tư suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi bỏ vốn làm ăn.
Kỳ tới: Cực nhục trong tay tú bà
Sa chân vào 20.000 điểm rửa xe
Ủy viên chống lao động nô lệ Hyland cho biết các điểm rửa xe vẫn được xác định là những nơi tuyển dụng được nhiều nhân công. Hàng ngàn người Đông Âu hiện làm việc tại các điểm rửa xe trên khắp nước Anh. Nhiều người trong số họ xuất thân từ những khu vực nghèo nàn ở Romania, bước chân đến nơi này sau khi bị dụ dỗ bởi những quảng cáo trên mạng hứa hẹn lương cao và điều kiện sống tốt. Dĩ nhiên, lời hứa hẹn thường không phù hợp với thực tế trong khi nhiều lao động (không thể thống kê) đã sa chân vào 20.000 điểm rửa xe không đăng ký kinh doanh ở Anh.
Ông Hyland còn tiết lộ hiện nay, ngoài các điểm rửa xe, những người làm việc trong ngành nông - ngư nghiệp và ngay cả trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất cũng bị bắt làm lao động nô lệ.
Bình luận (0)