Hai nguồn thạo tin nói với hãng tin Reuters rằng cố vấn an ninh quốc gia Augusto Heleno và Bộ Truyền thông đang nghiên cứu một sắc lệnh của tổng thống và họ đang xem xét các điều khoản bảo mật yêu cầu các nhà viễn thông và nhà cung cấp phải tuân thủ.
Nối gót Tổng thống Donald Trump, ông Bolsonaro phản đối Huawei với cáo buộc chưa có bằng chứng rằng hãng này chia sẻ dữ liệu bí mật với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, ông Bolsonaro đã phải đối mặt với sự phản đối từ ngành công nghiệp lẫn trong chính phủ của mình, bao gồm cả Phó Tổng thống Hamilton Mourao.
Các đại diện trong ngành cho biết một sắc lệnh như vậy của tổng thống, nếu được ban hành, có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý với các công ty viễn thông đang sử dụng thiết bị của Huawei và làn sóng phản đối lệnh cấm vì động thái này sẽ buộc họ phải thực hiện quá trình chuyển đổi công nghệ tốn kém.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: Reuters
Hầu hết các công ty viễn thông Brazil sử dụng thiết bị Huawei trên mạng 3G và 4G của họ. Theo nhóm vận động hành lang Conexis, công ty viễn thông lớn nhất Brazil Vivo thuộc sở hữu của Telefônica Brasil sử dụng thiết bị Huawei trong 65% mạng lưới của họ. Tập đoàn viễn thông Claro có đến 55% thiết bị của Huawei trong khi tỉ lệ này ở công ty viễn thông Oi và TIM lần lượt là 60% và 45%.
Chính phủ Brazil cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra cách cấm Huawei một cách hợp pháp mà không ảnh hưởng đến các nhà cung cấp khác. Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho hệ thống viễn thông Brazil nhằm khuyến khích họ mua thiết bị từ các nhà cung cấp phương Tây như Nokia và Ericsson thay vì Huawei.
Trong khi đó, một tài liệu của chính phủ Đức hôm 8-12 cho thấy nước này đã ngăn một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp và Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) do chính quyền Bắc Kinh kiểm soát tiếp quản công ty công nghệ vệ tinh và radar IMST (Đức) do lo ngại về an ninh quốc gia. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đức và Trung Quốc.
Theo tài liệu của chính phủ Đức, Berlin xem IMST là một nhà cung cấp quan trọng về liên lạc vệ tinh, công nghệ radar, vô tuyến và sự am hiểu của công ty này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Chuyên môn của IMST cũng được cho là cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng trong tương lai, bao gồm cả mạng 5G và 6G.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không biết gì về vụ việc nói trên nhưng cho rằng chính phủ luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc thực hiện hợp tác đầu tư "cùng có lợi" ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các quốc gia bao gồm cả Đức sẽ tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc hoạt động trong một môi trường thị trường công bằng, cởi mở và không phân biệt đối xử, đồng thời không chính trị hóa hợp tác kinh tế và thương mại, hoặc sử dụng "an ninh quốc gia" như một cái cớ cho chủ nghĩa bảo hộ.
Bình luận (0)