Quyết định đánh thuế trên dựa theo một đạo luật được công bố trên trang web chính thức của quốc hội Bulgaria.
Theo RT, quy định mới được công bố hôm 13-10, có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng mức thuế 20 lev Bulgaria (10,76 USD) cho mỗi megawatt giờ (tương đương khoảng 100 m3) khí đốt tự nhiên của Nga được vận chuyển qua đất nước này.
Mặc dù Bulgaria không nhập khẩu để sử dụng nhưng lại là một trong các cửa ngõ để khí đốt Nga đi vào EU.
Hệ thống đường ống vận chuyển khí đốt của Nga - Ảnh: SPUTINIK
Khoản phí này chiếm khoảng 20% chi phí hiện tại của hợp đồng khí đốt tương lai tại trung tâm Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF) ở Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu đối với mặt hàng này.
Giá khí đốt ở trung tâm trên chốt ở mức khoảng 55,1 euro (57,9 USD) mỗi megawatt giờ vào hôm 13-10 (giờ địa phương), theo dữ liệu từ Sàn giao dịch liên lục địa London (ICE).
Cho đến năm 2022, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính cho Bulgaria. Tuy nhiên, sau khi Bulgaria từ chối thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp, việc xuất khẩu trực tiếp sang quốc gia Balkan này đã bị dừng lại.
Mặc dù Bulgaria không còn nhập khẩu khí đốt từ Nga để sử dụng trong nước nhưng nước này vẫn là một trong số ít tuyến đường vận chuyển khí đốt sang EU sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cộng với vụ phá hoại đường ống Nord Stream 1 và 2.
Theo ước tính của Bloomberg, khoảng một nửa lượng khí đốt qua đường ống của Nga dành cho EU hiện đi qua Bulgaria, đi qua đường ống TurkStream.
Các chuyên gia cảnh báo mức thuế mới của Bulgaria có thể gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp đối với một số quốc gia Nam Âu, bao gồm Hungary và Serbia, những quốc gia vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto gọi biện pháp này là "không thể chấp nhận được".
Gazprom vẫn chưa bình luận về tình huống mới này.
Armenia hoàn tất quy trình gia nhập ICC
Hôm 14-10, Tổng thống Armenia Vahagn Khachaturyan đã ký Quy chế Rome về quản lý Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), một động thái làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ giữa Yerevan và đồng minh Nga, theo Reuters.
Sự phê chuẩn diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Armenia - Nga trở nên căng thẳng vì Yerevan cho rằng Nga không hành động để bảo vệ người sắc tộc Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh (thuộc Azerbaijan).
Quốc hội Armenia hồi đầu tháng đã bỏ phiếu đồng ý gia nhập ICC, điều mà Moscow gọi là "bước đi không thân thiện". Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại sứ Armenia khi đó.
Các quốc gia đã ký và phê chuẩn Quy chế Rome ít nhất về mặt lý thuyết có nghĩa vụ bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị ICC truy tố liên quan đến việc đưa trẻ em Ukraine về Nga, nếu ông đặt chân lên đất của họ.
Bình luận (0)