Bà Lý Hiểu Hà, 43 tuổi, cùng chồng trọ tại căn phòng chật chội, gần một bệnh viện điều trị ung thư nổi tiếng ở phía Tây TP Thượng Hải để tham gia đợt hóa trị ung thư vú kéo dài 84 ngày. Người phụ nữ đến từ tỉnh Hà Nam này chia sẻ: “Ở quê nhà, bảo hiểm y tế đã chi trả khoảng 85% chi phí điều trị. Sẽ rất tuyệt nếu tôi được giảm một nửa giá khi điều trị tại đây. Tuy nhiên, tôi phải đến đây vì sức khỏe của mình. Tôi đang tìm kiếm sự điều trị hiệu quả”.
Theo hãng tin AP, với tỉ lệ ung thư vú, phổi và ruột đang gia tăng ở Trung Quốc, những khách sạn như trên đang mọc lên ở các thành phố lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của những người muốn được khám ở tuyến trên. Không giống những khách sạn truyền thống, khách sạn dành cho bệnh nhân ung thư không có người chăm sóc nhưng nằm gần các trung tâm y tế và có giá thấp nhất khoảng 7 USD/đêm. Thậm chí các bác sĩ còn khuyên bệnh nhân nên đến đó ở để thuận tiện điều trị. Nhiều bệnh nhân như bà Lý không ngại đường xa cũng như chi phí điều trị cao đã đến “cắm trại” gần các bệnh viện uy tín ở thành phố lớn để điều trị bởi họ cho rằng hệ thống y tế tại quê nhà không thể chữa hết bệnh.
Vì thế, sự quá tải tại các bệnh viện điều trị ung thư lớn là điều có thể hiểu được. Trong một lần đến Bệnh viện Ung thư Bắc Kinh gần đây, phóng viên hãng tin AP đã ghi nhận cảnh hàng trăm bệnh nhân ngồi chờ ngoài hành lang để được gọi vào khám. Ông Thôi Hiểu Bạc, một cựu giáo sư y học xã hội tại Trường ĐH Y khoa Thủ đô ở Bắc Kinh, nhận định chính sách cải cách y tế sâu rộng của Trung Quốc vẫn chưa thể mang lại sự bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân ở thành phố lớn và khu vực nông thôn. Các bác sĩ ở nông thôn không được trả lương thỏa đáng nên họ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các biện pháp điều trị không cần thiết để tăng thu nhập.
Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, số lượng trường hợp bị ung thư phổi tại nước này đã tăng 16% trong 2 năm qua. Chỉ riêng tại Bắc Kinh, con số này đã tăng 60% trong 10 năm.
Bình luận (0)