Sức khỏe tâm thần là một vấn đề toàn cầu và các quốc gia, vùng lãnh thổ như Canada, Úc, Hồng Kông đang tìm cách giúp người dân xóa tan cảm giác tuyệt vọng, tránh chọn tự tử như con đường giải thoát duy nhất.
Tình trạng khẩn cấp
Ở Canada, một cộng đồng thổ dân đang kêu gọi chính phủ giúp đỡ sau khi xảy ra 6 vụ tự tử trong 2 tháng và 140 trường hợp tìm cách tự kết liễu chỉ trong vòng 2 tuần, trong đó có người ở độ tuổi thiếu niên.
Lãnh đạo cộng đồng 8.300 dân này - sống cách thủ phủ Winnipeg của tỉnh Manitoba 500 km về phía Bắc - đã ban bố tình trạng khẩn cấp với hy vọng điều đó sẽ khiến chính phủ liên bang đưa thêm nhân viên y tế đến giúp họ đối phó “dịch” tự sát.
“Dịch” tự sát không chỉ bùng phát ở Canada mà còn lan sang Hồng Kông và Úc. Mới đây, cộng đồng thổ dân Looma tại vùng Kimberley, bang Tây Úc, bị chấn động và cuống cuồng tìm hiểu cớ sự sau khi một bé gái 10 tuổi tên Ariana quyết định chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi của mình.
Thi thể bé được phát hiện hôm 6-3 và là vụ tự tử thứ 19 của người thổ dân trong bang này kể từ tháng 12-2015. Bộ trưởng bảo vệ trẻ em bang Tây Úc, bà Helen Morton, tiết lộ cô bé tận mắt chứng kiến chị gái 12 tuổi tự tử 3 năm trước. Một vấn đề khác là gia cảnh của bé khá bất ổn: cha ngồi tù, mẹ gần như điếc do bạo lực gia đình.
Còn tại đặc khu Hồng Kông, 22 học sinh đã tự tử kể từ đầu năm học mới (tháng 9-2015) đến giờ, trong đó có 1 em 11 tuổi. Bốn vụ tự tử gần đây nhất xảy ra cách nay hơn 1 tuần. Con số này tăng mạnh so với những năm trước đó. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và Phòng chống tự sát thuộc Trường ĐH Hồng Kông, trong giai đoạn 2010-2014, trung bình có khoảng 23 vụ học sinh tự tử mỗi năm học (từ tháng 9 đến tháng 7 năm sau).
Mất khả năng phục hồi
Đề cập về làn sóng tự tử trong người trẻ ở cộng đồng thổ dân nói trên, đài CBC (Canada) dẫn lời cô bé 17 tuổi tên Amber Muskego, có bạn thân tự vẫn trước Giáng sinh năm ngoái, cho biết họ có rất ít hoạt động vui chơi. Vào mùa hè, họ chơi bóng chày, mùa đông chỉ có khúc côn cầu trong khi ma túy và rượu “tấn công” khu dân cư.
Cha của một bé gái 15 tuổi (tự tử hồi cuối tháng 1 qua) cũng đồng ý rằng tình trạng thiếu thốn hoạt động giải trí nhen nhóm cảm giác tuyệt vọng ở những người trẻ tuổi. Người cha này vẫn còn bị ám ảnh bởi chuyện không biết con gái mình chết thế nào: “Tôi nghe kể về những câu chuyện khác nhau: Có người nói con bé treo cổ. Người thì nói bé dùng thuốc quá liều. Tôi giờ chỉ còn biết chờ báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi”.
Còn tại Hồng Kông, áp lực học hành là một nguyên nhân tiềm tàng khiến học sinh tự tử. Ngoài ra, một số chuyên gia nói với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng việc dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo và bị gia đình bỏ bê khiến giới trẻ mất khả năng phục hồi trước những rắc rối gặp phải.
“Thế hệ trẻ lớn lên cùng mạng internet. Chúng giờ có xu hướng chỉ để mắt đến những thứ mình thích. Các em có thể không hiểu rõ những quan điểm phức tạp hoặc khác nhau về một vấn đề nào đó. Trong khi đó, gia đình thường là vùng đệm giúp trẻ em chống lại căng thẳng nhưng giờ nhiều bậc cha mẹ phải đi làm nên không còn thời gian tương tác với con cái” - ông Lý Thành, giáo sư tâm thần học tại Trường ĐH Trung Quốc Hồng Kông, giải thích.
Bi kịch
Chuyên gia nghiên cứu phòng chống tự sát Gerry Georgatos nói với đài BBC rằng trẻ em thổ dân dưới 14 tuổi có nguy cơ tự sát cao gấp 9 lần so với dân số nói chung ở Úc. “Đó không phải là trường hợp tự tử nhỏ tuổi nhất tôi từng biết. Những gì xảy ra quả là một bi kịch…” - ông Georgatos nhận định về vụ bé gái Ariana tự sát.
Bình luận (0)