Tại Mỹ, mối đe dọa của “hố tử thần” được khơi lại sau sự cố ở Bảo tàng Quốc gia Corvette tại bang Kentucky đầu tháng này. Một hố có đường kính 12 m và sâu 7-9 m đã nuốt chửng 8 chiếc xe hơi đang trưng bày tại bảo tàng.
Hiểm họa không báo trước
Tuy nhiên, với bang Florida, hố sụt không phải là chuyện quá xa lạ. Theo thống kê gần đây, khoảng 15.000 hố sụt hiện diện khắp bang này, hầu hết đều nhỏ và hiếm khi gây chết người. Dù vậy, lo lắng đã tăng lên sau khi một người đàn ông 37 tuổi ở TP Tampa bị “hố tử thần” nuốt chửng khi đang ngủ và thiệt mạng vào cuối tháng 2-2013.
Điều này cũng lý giải tại sao Florida có hơn 6.500 hồ sơ đăng ký bảo hiểm liên quan đến “hố tử thần” mỗi năm. Sandy Nettles, chủ sở hữu một công ty tư vấn về địa chất ở Tampa, nhận định: “Hiếm có nơi nào ở Florida thoát được hố sụt và không có cách gì để dự báo trước sự xuất hiện của chúng”. Hầu hết các vụ hố sụt diễn ra âm thầm trong lòng đất và bất ngờ nứt toác ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước.
Anh cũng là nước đối mặt với hiểm họa “hố tử thần” trong tương lai gần, theo cảnh báo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh (BGS). Các chuyên gia cho rằng nước này thường chỉ chứng kiến 1 hoặc 2 hố sụt xuất hiện mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 2 này đã có đến 6 “hố tử thần” được ghi nhận. Trong số này, hố sụt tại thị trấn Hemel Hempstead đặc biệt lớn và không ngừng mở rộng, buộc 20 hộ gia đình phải sơ tán.
Bí ẩn trong lòng đất
Giải thích với đài BBC, tiến sĩ Tony Cooper thuộc BGS cho biết một số khu vực của nước Anh tiềm ẩn nguy cơ về hố sụt cao hơn so với một số nơi khác, tùy thuộc thành phần đất đá. Chẳng hạn, những vùng đất thạch cao sẽ bị phân hủy nhanh chóng nếu gặp nước. Đó là lý do phần nền của một ngôi nhà ở TP Ripon sụp xuống sau khi hứng chịu lũ lụt gần đây. Tiến sĩ Cooper cho biết: “Nếu chúng ta đặt khối thạch cao có kích thước bằng chiếc xe tải và thả xuống sông thì nó sẽ tan rã trong vòng 18 tháng”.
Tại Mỹ, các chuyên gia cũng nhận định việc bang Florida có hàng chục ngàn hố sụt là vì cấu trúc địa chất đặc trưng. Nhiều khu vực của bang nằm trên nền đá vôi và rất dễ bị ăn mòn bởi nước ngầm có chứa axít bên dưới. Ngoài ra, hoạt động của con người cũng góp phần dẫn đến hố sụt. Mực nước ngầm thay đổi do xây dựng hay do bơm hút đều làm hình thành các hang ngầm. Khi không còn chịu nổi trọng lượng phía trên nó, nền đất có hang ngầm sẽ sụt bất cứ lúc nào. Ông Jonathan Arthur, Giám đốc Trung tâm Thăm dò địa chất Florida, cho rằng các bang khác cũng nằm trên nền đá vôi nhưng Florida còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều cùng các hoạt động khai thác nước ngầm.
Bình luận (0)