Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 23-9 đã lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại TP New York - Mỹ theo lời mời của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, đồng thời thăm chính thức Cộng hòa Cuba từ ngày 28 đến 30-9.
Dự kiến, Chủ tịch nước sẽ tham dự lễ khai mạc, phát biểu tại phiên toàn thể và cùng lãnh đạo các nước thông qua văn kiện hội nghị, tạo khuôn khổ và định hướng chiến lược về phát triển bền vững từ nay đến năm 2030. Chủ tịch nước cũng sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động giữ gìn hòa bình, sự kiện cấp cao về nông thôn mới; dự hội nghị lãnh đạo toàn cầu về bình đẳng giới; gặp Tổng Thư ký LHQ và tham dự các hoạt động bên lề.
Hơn 170 nguyên thủ và thủ tướng các nước đã đăng ký tham gia Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, diễn ra từ ngày 25 đến 27-9. Đây là hội nghị lớn nhất của LHQ kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh LHQ năm 2000 thông qua các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Theo hãng tin AP, Chương trình nghị sự 2030 đề ra 17 mục tiêu chung và 169 chỉ tiêu cụ thể, như: xóa đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực và cuộc sống khỏe mạnh, nâng cao phúc lợi, bảo đảm giáo dục có chất lượng, đạt được bình đẳng về giới, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả và dài hạn, khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên trái đất… Những nội dung này là kết quả của quá trình thương lượng tích cực trong hơn 2 năm của các nước thành viên LHQ.
“2015 là một năm quan trọng để chúc mừng thành tựu của những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đạt được trong 15 năm qua, đồng thời chào đón những mục tiêu toàn cầu mới từ nay đến năm 2030” - bà Vivien Maidaborn, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại New Zealand, nhấn mạnh. Bà Maidaborn cho rằng 2 thập kỷ qua đã ghi nhận nhiều thành tựu - như: tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hàng triệu trẻ em được đến trường nhưng “còn một chặng đường dài phải đi bởi thế giới vẫn chứng kiến 16.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày trong lúc 58 triệu trẻ em không được đến trường”.
Tổ chức Nhân đạo Oxfam (Anh) cũng cảnh báo rằng các mục tiêu phát triển bền vững mới về đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu đều không dễ chinh phục. Theo Giám đốc điều hành Oxfam, bà Winnie Byanyima, chìa khóa thành công là thúc giục những người giàu nhất tiếp xúc trở lại với phần còn lại của xã hội.
Bà Byanyima cho rằng đã đến lúc các quy định tài chính quốc gia và quốc tế phải được viết lại, trong đó có việc trấn áp hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Ngoài ra, các chính phủ cần thực thi những biện pháp để bảo đảm những người giàu nhất đóng góp công bằng hơn so với phần còn lại của xã hội.
Trước nay, Trung Quốc và Nhóm 77 nước đang phát triển (G77) lập luận rằng các nước giàu cần phải đóng góp nhiều nguồn lực tài chính hơn cho phát triển toàn cầu so với các nước nghèo. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có cho đến giờ vẫn chưa có nhiều nhượng bộ.
Bất chấp trở ngại trên, Chương trình nghị sự 2030 vẫn được xem là một bước tiến lớn so với những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đề ra 15 năm trước. Nhà nghiên cứu Luke Holland của Trung tâm Quyền kinh tế và xã hội (Mỹ) nhận định phạm vi sâu rộng của chương trình mang đến một tầm nhìn thống nhất và toàn diện về một thế giới được kỳ vọng sẽ tốt hơn sau 15 năm nữa.
Theo bà Maidaborn, sự chung tay của tất cả các nước là điều không thể thiếu nếu muốn hoàn thành những mục tiêu mới nêu trên.
Bình luận (0)