Các bác sĩ tại Mỹ vừa cấy ghép tim heo cho một bệnh nhân trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu tính mạng ông và sức khỏe người này đang tiến triển tốt vài ngày sau cuộc phẫu thuật.
Trung tâm Y tế Trường ĐH Maryland hôm 10-1 cho biết ca cấy ghép cho thấy quả tim từ một động vật biến đổi gien có thể hoạt động trong cơ thể người mà không bị đào thải ngay lập tức.
Bệnh nhân là ông David Bennett, 57 tuổi, sống tại bang Maryland. Trong nhiều tháng qua, ông Bennett phải nằm viện và được hỗ trợ sự sống bằng kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo). Đến ngày cuối năm 2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép khẩn cấp để thực hiện cuộc phẫu thuật.
Bệnh nhân biết rằng không có gì bảo đảm cuộc thử nghiệm sẽ thành công nhưng không còn lựa chọn nào khác. "Tôi muốn sống… Đó là lựa chọn cuối cùng của tôi" - ông Bennett cho biết một ngày trước ca phẫu thuật, theo tuyên bố được Trường Y ĐH Maryland công bố.
Cuộc phẫu thuật cấy ghép tim heo cho người tại TP Baltimore, Mỹ hôm 7-1Ảnh: Reuters
Cuộc phẫu thuật kéo dài 7 giờ ở TP Baltimore, bang Maryland hôm 7-1 và 3 ngày sau đó, ông Bennett đã tự thở được nhưng vẫn được kết nối với máy ECMO để hỗ trợ quả tim mới. Vài tuần tiếp theo sẽ đóng vai trò quan trọng khi ông Bennett hồi phục từ cuộc phẫu thuật và các bác sĩ theo dõi sát tình trạng của tim heo được cấy ghép.
Theo tờ The New York Times, cuộc phẫu thuật mang tính đột phá này mang đến hy vọng cho hàng trăm ngàn bệnh nhân bị hư tạng. Các nỗ lực cấy ghép tương tự trước đó đã thất bại, chủ yếu vì cơ thể bệnh nhân nhanh chóng đào thải cơ quan cấy ghép.
Điểm khác biệt lần này là các bác sĩ sử dụng quả tim từ một con heo được chỉnh sửa gien để loại bỏ một loại đường trong tế bào. Đây được xem là nguyên nhân gây đào thải nội tạng nhanh chóng sau khi cấy ghép.
Quả tim heo được sử dụng trong cuộc phẫu thuật hôm 7-1 do Công ty Công nghệ sinh học Revivicor (Mỹ) phát triển. Revivicor là một trong số vài công ty đang phát triển nội tạng heo để cấy ghép cho người.
Hiện còn quá sớm để biết được thành công của ca phẫu thuật có thật sự kéo dài hay không. Dù vậy, đây vẫn được xem là bước tiến mới trong hành trình hướng đến cấy ghép nội tạng động vật để cứu tính mạng con người.
Trước đó, một thành tựu khác được ghi nhận vào tháng 10-2021: Thận heo đã được cấy ghép lần đầu tiên cho con người mà không gây ra phản ứng đào thải tức thì từ hệ miễn dịch của người nhận. Trong cuộc thử nghiệm diễn ra tại Trung tâm Y tế NYU Langone (Mỹ) này, theo Reuters, quả thận được cấy ghép thuộc về một con heo được biến đổi gien để mô của nó không chứa loại phân tử gây phản ứng đào thải tức thì.
Ông David Bennett (phải) và bác sĩ Bartley Griffith trước cuộc phẫu thuậtẢnh: Reuters
Tình trạng thiếu nguồn hiến tạng đang thúc đẩy các nhà khoa học tìm cách sử dụng nội tạng động vật để thay thế. Họ hy vọng những bước tiến như trên sẽ thúc đẩy một kỷ nguyên y học mới, trong đó nguồn tạng thay thế không còn bị thiếu hụt, giúp cứu sống tính mạng nhiều bệnh nhân.
"Đây là cuộc phẫu thuật đột phá, đưa chúng ta đến gần hơn giải pháp cho cuộc khủng hoảng thiếu tạng ghép hiện nay" - bác sĩ Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tim heo nói trên, nhận định.
Trong khi đó, ông Muhammad Mohiuddin, chuyên gia của Trường ĐH Maryland, tin rằng nếu hướng đi này thành công, nguồn tạng cho người cần cấy ghép sẽ vô cùng dồi dào. Trước mắt, một số nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem có thể dùng heo biến đổi gien để cung cấp các bộ phận cấy ghép khác, từ van tim đến da, cho con người hay không.
Dù vậy, ông David Klassen, Giám đốc y tế của Mạng lưới chia sẻ nội tạng của Mỹ (UNOS), thận trọng cho rằng vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua trước khi phương pháp cấy ghép dị loại được áp dụng rộng rãi, trong đó có vấn đề đào thải tạng ghép.
Cũng theo UNOS, gần 107.000 người đang đợi ghép tạng ở Mỹ, trong đó hơn 90.000 chờ được ghép thận. Thời gian chờ ghép thận kéo dài trung bình từ 3-5 năm. Điều đáng buồn là hơn 6.000 người tử vong trong lúc chờ ghép tạng tại Mỹ mỗi năm, theo số liệu chính thức.
Bình luận (0)