Reuters cho biết đã nhìn thấy ông Cameron bước vào dinh thự Thủ tướng Anh tại số 10 phố Downing, thủ đô London, để gặp ông Sunak hôm 13-11.
Ông Cameron giữ chức thủ tướng Anh từ năm 2010 – 2016. Ông đã buộc phải từ chức người đứng đầu chính phủ sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) vào năm 2016.
Kể từ đó, vị cựu thủ tướng 57 tuổi hầu như không có hoạt động chính trị. Vì thế, quyết định bổ nhiệm ông Cameron giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao đã gây ngạc nhiên lớn trong dư luận và chính giới Anh.
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron rời số 10 phố Downing hôm 13-11-2023. Ảnh: Bloomberg
Ông Cameron trở lại chính trường Anh trong cuộc cải tổ nội các sâu rộng của Thủ tướng Sunak.
Thủ tướng Sunak vừa sa thải Bộ trưởng Bộ Nội vụ Suella Braverman trước sức ép dư luận và nội bộ liên quan việc bà chỉ trích cách cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine trong cuộc xung đột Hamas-Israel.
Sa thải bà Suella, thủ tướng Anh đã bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao James Cleverly làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ rồi đưa ông Cameron vào vị trí mà ông James để lại.
CNBC cho hay thời còn làm thủ tướng Anh, ông Cameron được coi là người nhiệt thành ủng hộ quan hệ với Trung Quốc. Thậm chí, ông đã có gắng thành lập một quỹ đầu tư Anh – Trung trị giá 1 tỉ USD nhưng kế hoạch sau đó bị gác lại.
Hiện vẫn chưa rõ quan điểm đối ngoại của ông Cameron sẽ thích ứng thế nào trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tỏ ra dè dặt về Trung Quốc cũng như xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt vẫn tại vị trong đợt cải tổ này, dù bất đồng với Thủ tướng Sunak về vấn đề ngân sách.
Cải tổ lần này được đánh giá là biện pháp vừa mang tính đối phó vừa là chiến lược của Thủ tướng Sunak.
Mục đích của ông Sunak nhằm thu hút các đồng minh và loại bỏ một số bộ trưởng mà Văn phòng Thủ tướng Anh cho rằng không đáp ứng kỳ vọng.
Bình luận (0)