Trong một động thái bất thường, con gái cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy là bà Caroline Kennedy, hiện đảm trách cương vị đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, bày tỏ lo ngại về truyền thống giết cá heo ở miền Tây Nhật Bản. Bà tuyên bố Washington chống lại việc săn bắt cá heo.
Văn hóa ẩm thực “là đa dạng”
Ông Yoshinobu Nisaka, Tỉnh trưởng Wakayama, nhanh chóng bác bỏ những lo ngại mà bà Kennedy đăng trên Twitter. Ông Nisaka nhận xét: “Văn hóa ẩm thực là đa dạng và tôn trọng quan điểm của người khác mới là văn minh, trừ khi thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài nguyên”.
Tranh cãi nổ ra sau khi tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường Sea Shepherd cho biết các ngư dân làng Taiji ở tỉnh Wakayama của Nhật Bản đã xua hơn 250 con cá heo vào một vịnh kín hôm 20-1 và ngăn những con vật tội nghiệp thoát ra biển.
“Phải mất 20-30 phút để các con cá heo chết dần chết mòn. Chúng chảy máu, nghẹt thở hoặc chết đuối trong quá trình bị lôi đến lò mổ” - nhà hoạt động Melissa Sehgal thuộc Sea Shepherd nói về cuộc vây bắt lớn nhất mà tổ chức này chứng kiến 4 năm qua.
“Săn cá heo, cá voi là ngành nghề đánh bắt truyền thống của Nhật Bản và được tiến hành theo quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ giải thích lập trường của mình với phía Mỹ” - hãng tin Reuters dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ở Tokyo hôm 20-1. Theo ông Suga, động vật có vú ở biển là nguồn tài nguyên quan trọng và cần được đánh bắt một cách bền vững.
Đại sứ môi trường phẫn nộ
Hằng năm, ngư dân làng Taiji thường dồn đuổi hàng trăm chú cá heo trong vịnh biển. Một số con được bán cho công viên nước, phần khác thả trở về biển, còn một phần nữa bị giết mổ lấy thịt.
Tổ chức Shepherd tả lại cách ngư dân dùng thuyền nhỏ xua cá heo vào lưới: “Các huấn luyện viên động vật và người giết thịt sẽ chọn những con cá tốt nhất rồi ngã giá với “thợ săn”. Quá trình này diễn ra rất thô bạo và căng thẳng, đến nỗi một vài con cá đã chết do bị thương hay ít nhất cũng bị kích động”.
Trong cuộc đi săn hôm 20-1, một cá heo con bạch tạng quý hiếm bị bán cho Bảo tàng Cá voi Taiji. Cá heo mẹ được cho là đã tự sát sau khi cá con bị “giằng khỏi tay”. Viết trên trang web của mình, Sea Shepherd cho biết: “Tình nguyện viên của chúng tôi đã chứng kiến cá heo mẹ đau buồn, tìm kiếm đứa con trước khi trầm mình và không bao giờ nổi lên”.
Những hoạt động săn bắt như thế đã gây nhiều tranh cãi trên thế giới và dẫn đến phản ứng giận dữ của các đại sứ môi trường.
Đối với cá voi, hồi tháng 4-2013, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thụ lý đơn kiện của chính phủ Úc đối với Nhật Bản vì cho rằng nước này săn cá voi quá nhiều và sai mục đích tại Nam Cực. Bên cạnh đó, các nhà môi trường học cảnh báo thịt cá voi chứa hàm lượng thủy ngân và các độc tố khác cao.
Theo tờ Mainichi, từ năm 2010, chính phủ Úc bắt đầu có hành động pháp lý chống lại Nhật xung quanh chương trình săn cá voi. Trước đó, nước này đã nhiều lần cảnh báo Tokyo và triển khai tàu thu thập chứng cứ từ năm 2007. Không chỉ Úc, New Zealand cũng phản đối gay gắt hoạt động săn cá heo, cá voi của Nhật.
Nguồn cung cấp lớn nhất thế giới
Các ngư dân Taiji lọt vào tầm ngắm dư luận sau khi bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar năm 2010 The Cove (tạm dịch: Vịnh) được trình chiếu tại Nhật Bản. Đạo diễn Louie Psihoyos, cựu nhiếp ảnh gia kênh truyền hình National Geographic, theo chân cựu huấn luyện viên cá heo Ric O’Barry tìm đến Taiji và chứng kiến những cuộc săn cá heo, cá voi diễn ra từ giữa tháng 9 đến tháng 3 năm sau.
Mỗi năm, có 23.000 con cá heo bị giết chết để lấy thịt ở Nhật Bản. Trong đó, Taiji chiếm gần 1/10 với 2.000 con, trở thành nguồn cung cấp cá heo, cá voi lớn nhất thế giới.
Bình luận (0)