Cá mập ma - còn được gọi là "chimaeras" - không thực sự là cá mập nhưng có liên quan đến cá mập vì bộ khung của chúng được tạo thành từ sụn chứ không phải từ xương.
Không có nhiều thông tin về sinh vật biển này bởi chúng thường sinh sống ở khoảng cách 1.829 m dưới mặt nước biển. Phần lớn các nhà nghiên cứu không thể tiếp cận ở khoảng cách sâu như vậy.
Nhà khoa học Brit Finucci tại Viện nghiên cứu Nước và Khí quyển quốc gia New Zealand nói với Reuters ngày 17-2: "Những gì chúng ta biết là những con cá mập ma lớn dài 1,5 m và bề ngang 1 m. Vì vậy, việc tìm thấy con cá mập ma chỉ nằm trong lòng bàn tay của tôi là điều vô cùng thú vị".
Con cá mập ma "baby" được phát hiện ở New Zealand. Ảnh: Twitter
Con cá mập ma mới sinh kể trên được phát hiện ở độ sâu 1.200 m. Nó có vây màu đen, da gần như trong suốt, đuôi màu trắng và đôi mắt màu đen.
"Tôi nghĩ rằng nó thật tuyệt, khác biệt và hiếm gặp. Tôi đã chụp vài bức ảnh và chúng đang lan truyền trên mạng internet" - bà Finucci cho biết thêm.
Cá mập ma "vị thành niên" có xu hướng xuất hiện ở các độ sâu khác nhau so với những con trưởng thành. Trong một số trường hợp, vẻ ngoài chúng trông khác với những con trưởng thành, vốn sở hữu cái đầu lớn và đôi mắt quá khổ so với cơ thể.
Phôi cá mập ma phát triển trong viên nang trứng được đặt dưới đáy biển. Theo bà Finucci, phát hiện kể trên giúp cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về sinh vật biển độc đáo này.
Bình luận (0)