xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cá tháng tư chính trị

THẢO HƯƠNG

Chính trị là một lĩnh vực nghiêm túc tưởng chừng khó có chỗ cho những chuyện đùa cợt. Thế nhưng, vì ngày Cá tháng tư người ta có thể nói dóc những chuyện nghiêm túc nhất cho nên đã có những mẩu chuyện động trời như sau

Chyện ông Nixon

Ở Mỹ, người ta không gọi 1-4 là ngày Cá tháng tư mà là Ngày nói dóc. Những người Mỹ thích đùa rất khoái ngày này. Tuy nhiên, khi sáng sớm ngày 1-4-1992, đài phát thanh NPR loan tin cựu tổng thống (TT) Richard Nixon không biết nghĩ sao lại muốn ra ứng cử TT một lần nữa trong tiết mục “Tin đồn cả nước” khiến cả nước Mỹ chưng hửng, không biết thiệt giả thế nào.

Nhà đài còn cho biết thêm ông Nixon lần này sáng tác luôn một khẩu hiệu chính trị hết sức độc đáo cho chiến dịch tranh cử của mình: “Tôi đã không làm gì sai và tôi sẽ không làm như vậy nữa”! Kèm theo bản tin là một đoạn băng ghi âm trích bài diễn văn mà ông Nixon sẽ đọc trước quốc dân đồng bào Mỹ với tư cách là ứng cử viên.

Phản ứng của khán thính giả Mỹ không phải chờ đợi lâu. Người ta dùng điện thoại réo gọi nhà đài bày tỏ sự ngạc nhiên và phẫn nộ. Tuy nhiên, nhà báo John Hockenberry, người chủ trì tiết mục kể trên, vẫn tỉnh bơ. Mãi đến giữa tiết mục, ông mới thú thật việc loan tin ấy chỉ là một trò đùa của Cá tháng tư. Tiếng nói của ông Nixon trong băng ghi âm là tiếng của kịch sĩ Rich Little nhái giọng ông Nixon. Tuy vậy, nhà đài NPR vẫn còn tiếp tục bị chửi một thời gian nữa mới thôi.

Chuyện Mỹ-Iraq

Mối quan hệ Mỹ-Iraq cũng từng là đề tài trong ngày Cá tháng tư ở Iraq dưới trào TT Saddam Hussein. Cho thấy, ở nước Trung Đông này, người ta cũng thích nói dóc. Chẳng hạn tờ báo Babil của Uday - con trai TT Saddam Hussein – số ra ngày 1-4-1998 loan tin TT Bill Clinton đã quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Iraq! Dĩ nhiên, ở cuối bản tin người ta nhắc nhở độc giả rằng đó là tin xạo theo truyền thống Cá tháng tư. Khỏi nói là người dân Iraq cũng khoái loại tin này.

Qua năm sau, cũng tờ báo nói trên số ra ngày 1-4-1999 loan tin khẩu phần lương thực mà nhà nước cấp cho dân chúng hằng tháng sẽ được bổ sung chuối, nước ngọt Pepsi-Cola và kẹo sô-cô-la. Năm 2000, tờ báo này vẫn duy trì tinh thần ngày Cá tháng tư nhưng có lẽ cạn ý tưởng cho nên lại quay trở về với tin Mỹ tháo dỡ lệnh cấm vận. Năm 2001 cũng tin tăng thêm khẩu phần lương thực. Người dân Iraq được một ngày vui vẻ nhưng giáo trưởng đạo Hồi phái Shiite ở nước láng giềng là Ả Rập Saudi là Sheikh Abdul Aziz bin Abadullah Al al-Shaeikh lại thấy khó chịu. Năm 2001, ông quyết định cấm chơi trò lừa phỉnh vào ngày 1-4 hằng năm tại xứ ông.

Cũng liên quan đến Mỹ- Iraq, ngày 1-4-2003, trong khi hàng chục ngàn quân Mỹ tấn công trên khắp các mặt trận ở Iraq thì ông Abbas Khalaf Kunfuth, đại sứ Iraq tại Nga, tổ chức một cuộc họp báo ở Moscow. Rất nhiều nhà báo trông chờ ông Kunfuth tuyên bố đại loại như “Iraq bị Mỹ xâm lược, chính quyền ông Saddam Hussein phải rút lui vào bí mật” thì bất ngờ ông đại sứ Iraq cầm một bản tin mà ông cho là mới nhất của hãng tin Reuters rồi đọc một hơi: “Người Mỹ đã bắn nhầm một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào quân đội Anh, giết chết 7 người”.

Phòng họp báo rơi vào im lặng đáng sợ. Các nhà báo há hốc mồm, không tin vào tai mình. Mãi đến khi ông Kunfuth hét to: “Cá tháng tư” thì mọi người mới sực tỉnh và kêu lên: “Ồ!”. Vài ngày sau, người ta không tìm thấy ông đại sứ Iraq ở đâu. Chính phủ ông Saddam Hussein đã hoàn toàn sụp đổ và tan rã.

Chuyện Đông Âu

Câu chuyện sau đây xảy ra ở Romania hồi năm 2000. Ngày 1-4, tờ báo Opinia loan tin giật gân trên trang nhất: Nhà tù Baia Mare nổi tiếng khắc nghiệt và dơ dáy đã quyết định phóng thích 16 tù nhân. Khỏi nói, thân nhân của các can phạm vô cùng sung sướng. Từ khắp đất nước Romania, họ thuê xe hoặc đi xe khách đổ về hướng nhà tù Baia Mare, đứng đợi ngoài cổng lòng nôn nao. Họ thầm nhủ sẽ tặng chồng hoặc anh (em) trai những nụ hôn nồng thắm nhất cho đỡ nhớ.

Nhưng đợi hoài mà không thấy động tĩnh gì, họ liền điện thoại hỏi tòa soạn báo. Tại đây người trực điện thoại thú thật: Chỉ là trò đùa ngày Cá tháng tư! Khỏi phải nói, họ tức giận biết bao. Nhiều người định đến tòa soạn quậy một trận cho hả giận. May mà không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Ngày hôm sau, tòa soạn trân trọng đăng lời xin lỗi độc giả về cái tin đáng ghét này.

Làng báo Nga cũng không thoát khỏi con virus Cá tháng tư. Ngày 1-4-1996, hãng tin Itar-Tass thuộc hàng đại gia đưa tin Hạ nghị viện Nga đang thảo luận việc làm sống lại tổ chức hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ Warsaw bao gồm các nước Trung và Đông Âu, gọi tắt là Hiệp ước Warsaw. Đây là một tổ chức đối trọng với tổ chức NATO của phương Tây, tồn tại suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Lập tức nguồn tin trên được các hãng tin Cộng hòa Czech và Bungaria lấy đăng lại, tạo một luồng dư luận xôn xao trong dân chúng các nước thuộc tổ chức này trước đây. Nhưng vài giờ sau khi đưa tin, hãng Itar-Tass xin nói lại cho rõ đó chỉ là trò đùa Cá tháng tư. Đồng thời ban biên tập hãng tin cũng xin lỗi đã tạo ra sự hoang mang, nếu có.

Những trò đùa dại dột nhất

Ở bên Mỹ có một số người tưởng ngày Cá tháng tư cho họ cái quyền nói dóc mà không sợ bị quả báo. Bởi vậy đã có nhiều trường hợp đi tù hay bị đuổi việc oan uổng vì xổ con cá quá bự và độc.

Chẳng hạn anh chàng có tên Randy Woods dù đã xin ly dị vợ vẫn cảm thấy ấm ức muốn trả thù cho đã. Thế là anh quyết định dùng ngày 1-4 hù bà vợ cũ một vố. Sáng sớm chưa kịp đánh răng anh chàng bốc điện thoại gọi bà vợ đến nhà. Anh hứa sẽ cho xem một vật rất lạ. Bà vợ trúng kế vội vàng lái xe hơi đến nhà chồng. Vừa đến cửa, bà hết hồn thấy ông chồng cũ treo cổ toòng teng trên cành cây trong sân vườn. Sau khi thét lên một tiếng hãi hùng, bà vội gọi 911 nhờ cảnh sát đến cứu. Thế là cả một đoàn xe hùng hậu chở cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên y tế lao về phía nhà anh chàng xấu số Randy Woods. Họ ngạc nhiên thấy “người quá cố” vẫn còn thở, thậm chí không tìm thấy vết thương nào. Hóa ra anh chàng dùng dụng cụ của thợ điện chuyên bảo trì đường dây cao thế tạo ra cảnh tự tử giả để hù bà vợ cũ chơi. Tuy nhiên, đối với chính quyền sở tại, kiểu giả chết này đáng bị phạt 1.000 USD và một năm tù ở vì giỡn chơi một cách vô duyên.

Câu chuyện dưới đây xảy ra ngày 1-4-2003 ở thành phố Columbus, bang Ohio. Chị Sitra Walker là nhân viên cửa hàng bán quần áo. Chị mới vào làm được hai năm. Theo chị, bấy nhiêu thời gian cũng đủ cho chị trêu chọc ông chủ của mình mà không sợ bị rầy vì hình như đã thân thiết với nhau. Vì vậy, sáng hôm ấy chị dùng điện thoại đánh thức ông sếp của mình dậy. Chị tỏ vẻ run sợ khi báo với ông chủ rằng cửa hàng đang bị một số tên vô lại có vũ trang đến cướp. Ông chủ lập tức báo ngay cho cảnh sát biết. Bốn chiếc xe cảnh sát có còi hụ vội chạy đến cửa hàng sẵn sàng bắt cướp. Thật ra, chẳng có ma nào cướp cửa hàng cả. Vài phút sau, Walker gọi điện tới sếp, hét to vào ống nghe điện thoại: Trò đùa tháng tư! Nhưng đã quá trễ. Cảnh sát đã truy tố chị Walker về tội gây rối làm người ta hoảng sợ. Chưa hết, ông chủ ký luôn quyết định sa thải cô nhân viên đùa vô ý thức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo