Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, kể từ những năm 1970 đến nay khoảng 3.000 đặc khu kinh tế đã được thành lập, 75% trong số này là ở Trung Quốc, nơi đang thu hút nhiều nhà sản xuất nước ngoài bằng những chính sách ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, những lợi nhuận to tát lại đang đến trên đôi vai của khoảng 42 triệu người trên toàn cầu làm việc trong các khu nói trên, đa số là phụ nữ, những người phải làm việc trong nhiều giờ và phải chịu lương thấp.
Liên đoàn Các Nghiệp đoàn tự do quốc tế (ICFTU), đang tổ chức đại hội thế giới lần thứ 18 ở Miyazaki (Nhật Bản) với 150 quốc gia tham dự, bằng lời cảnh báo trên đã thách thức vai trò của đặc khu kinh tế, thường là nơi lắp ráp nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Theo ICFTU, các công ty trong những đặc khu kinh tế có thể ngưng hoạt động nhanh như khi họ đến nếu một nước khác đưa ra nhiều ưu đãi hơn.
Tuy nhiên, quan trọng nhất, theo quan điểm của ICFTU, là những thiệt hại cho con người.
Norosoa Ravalanirina, 32 tuổi, người Madagascar, kiếm được chưa đầy 30 USD/tháng từ việc sản xuất áo len cho một công ty Bỉ. Trong lời khai được liệt kê trong báo cáo của ICFTU, Ravalanirina cho biết đôi khi cô phải làm đến 22 giờ để đáp ứng yêu cầu tăng năng suất của chủ. Cô cũng không thể mua gạo hay thịt và phải đi bộ về nhà vì không có tiền đi xe buýt. Báo cáo của ICFTU cũng đề cập đến Monica, một cô gái 26 tuổi làm việc trong một nhà máy sản xuất máy in ở Mexico. Cô bị buộc phải cởi bỏ quần áo và bị sờ soạng chỉ để xác nhận rằng cô không xăm mình.
Tại Trung Quốc, theo ICFTU, ít nhất 1 nhà máy sản xuất CD và DVD khấu trừ 10% lương của công nhân và chỉ hoàn trả sau đó 1 năm để bảo đảm công nhân sẵn sàng làm việc tăng ca.
Phần lớn cuộc họp của ICFTU dành để thảo luận về những mối lo ngại về việc lao động rẻ và nhiều của Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thị trường tự do sau khi hạn ngạch dệt may được bãi bỏ, dẫn đến khả năng các nhà máy ở những nước khác phải đóng cửa hay giảm lương. Tuy nhiên, theo ICFTU, ở Bangladesh và Philippines, sự thay đổi lớn sắp tới của ngành thương mại dệt may đã khiến một số chủ lao động thỏa hiệp với công đoàn cải thiện môi trường làm việc nhằm bảo đảm sự sống còn của các nhà máy của họ.
Bình luận (0)