"Rõ ràng là chúng ta đang đưa quá nhiều năng lượng thừa mứa vào hệ thống khí hậu và nhiều năng lượng trong số này bị đại dương hấp thụ" - chuyên gia Laure Zanna của Trường ĐH Oxford (Anh), người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhận định.
Các đại dương được cho là hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt bị mắc kẹt bởi khí nhà kính do con người phát thải. Mức năng lượng khổng lồ bổ sung này góp phần khiến mực nước biển gia tăng và khiến các cơn bão có nguy cơ mạnh hơn. Phần lớn nhiệt lượng được lưu trữ ở dưới biển sâu và chúng chỉ mới được đo đạc trong những thập kỷ gần đây. Các nhà khoa học cho rằng kiến thức về những thay đổi của sức nóng đại dương đóng vai trò quan trọng đối với dự báo tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Kiến thức về những thay đổi của sức nóng đại dương đóng vai trò quan trọng trong dự báo tác động của biến đổi khí hậu Ảnh: CSIRO
Theo tính toán của công trình nói trên, tổng lượng nhiệt các đại dương hấp thụ trong 150 năm qua nhiều gấp 1.000 lần tổng năng lượng hằng năm được dân số toàn cầu sử dụng. Từ đó, báo The Guardian tính toán rằng lượng nhiệt bình quân mà các đại dương hấp thụ mỗi giây trong 150 năm qua ngang với đương lượng nổ của một quả bom hạt nhân lớn gấp rưỡi quả bom thả xuống TP Hiroshima - Nhật Bản hồi Thế chiến II.
Nước biển dâng là một trong những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu về lâu dài, đe dọa cuộc sống của hàng tỉ người tại các thành phố ven biển. Vì thế, những phát hiện mới giúp các nhà nghiên cứu cải thiện chất lượng dự báo về sự gia tăng mực nước biển tại những khu vực khác nhau, từ đó có các biện pháp ứng phó hiệu quả hơn.
Bình luận (0)