Blue Origin đã tuyển thêm hàng trăm kỹ sư trong 3 năm qua và tiếp tục tăng tốc mở rộng. Theo Reuters, công ty có trụ sở ở TP Kent, bang Washington - Mỹ này có kế hoạch tăng gấp đôi số nhân viên lên tới 3.000 người trong 2-3 năm tới.
Nỗ lực cấp bách nhất tập trung vào rốc-két New Glenn. Nhà sáng lập Amazon đã hứa hẹn rốc-két hạng nặng này có thể chở các vệ tinh và cuối cùng là con người lên quỹ đạo. Đây là trọng tâm của hy vọng giúp Blue Origin giành được các hợp đồng thương mại và quân sự hấp dẫn.
Động cơ đẩy tầng thứ nhất của New Glenn sẽ có thể tái sử dụng và trở thành phần chủ chốt trong chiến lược hạ thấp chi phí cũng như tăng tần suất phóng rốc-két của ông Bezos. Ban lãnh đạo Blue Origin từng tuyên bố các chuyến bay thử nghiệm sẽ bắt đầu trong 2 năm nữa nhưng hiện chưa rõ họ có chinh phục được cột mốc này không. Các kỹ sư vẫn đang nỗ lực hoàn thiện những chi tiết về thiết kế của New Glenn và mới chỉ bắt đầu chế tạo các bộ phận mẫu cần phải thử nghiệm rất nhiều.
Hai tỉ phủ Jeff Bezos (trái) và Elon Musk (phải) đang trong cuộc đua vào vũ trụ. Ảnh: BLUE ORIGIN
Khung thời gian năm 2020 cực kỳ gấp gáp song giới phân tích cho rằng việc thử nghiệm thành công vào thời điểm đó sẽ giúp Blue Origin có sự ra mắt tốt nhất, mở ra cơ hội cạnh tranh với rốc-két của các đối thủ dự kiến được tung ra thị trường trong vài năm tới.
Đối thủ của Blue Origin gồm Công ty United Launch Alliance - liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, ArianeGroup (Pháp) - liên doanh giữa Airbus và Safran. Nhật Bản và Trung Quốc có vẻ cũng đang thiết kế loại rốc-két tái sử dụng được.
Tuy nhiên, 18 năm sau khi thành lập, Blue Origin đang tỏ ra tụt hậu so với một đối thủ gần nhà hơn: Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk. SpaceX đã tạo được chỗ đứng trong ngành công nghiệp không gian với loại rốc-két Falcon 9 có thể tái sử dụng và chi phí tương đối mềm.
Công ty có trụ sở ở TP Hawthorne, bang California này đã hoàn tất hơn 50 lần phóng thành công Falcon và thu về các hợp đồng hàng tỉ USD, trong đó có các hợp đồng với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Lầu Năm Góc. Ông Musk từng tuyên bố sẽ là dấu chấm hết cho các nhà sản xuất khác nếu SpaceX phóng thành công Falcon Heavy, loại rốc-két nặng nhất thế giới hiện nay, trong thời gian tới.
Tuy vậy, tin tốt cho Blue Origin là nhu cầu dịch vụ phóng vệ tinh được dự báo tăng mạnh. Khoảng 800 vệ tinh nhỏ dự kiến được phóng lên hằng năm, bắt đầu từ khoảng năm 2020, gấp đôi con số trung bình hằng năm trong thập niên qua.
Cũng như ông chủ SpaceX, tỉ phú Bezos say mê về triển vọng sống và làm việc của con người trên vũ trụ. Ông bán 1 tỉ USD giá trị cổ phiếu Amazon hằng năm để tài trợ giấc mơ không gian của mình và tiến gần hơn đến thương mại hóa - bán vé các chuyến tham quan không gian bằng rốc-két khác có tên New Shepard với giá 200.000-300.000 USD/vé.
Bình luận (0)