Ba quan chức Mỹ giấu tên cho biết ông Trump, ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa, chủ yếu bị chỉ trích về những phát ngôn bài ngoại. Trong đó, ông trùm bất động sản đến từ New York hồi tháng 12-2015 từng đề xuất cấm người Hồi giáo vào Mỹ để ngăn ngừa khủng bố.
Danh sách nhà ngoại giao các nước phản đối ông Trump không được nêu rõ nhưng ít nhất bao gồm một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Iran, Iraq và Ả Rập Saudi.
Các quan chức cấp cao ở nhiều nước, như Anh, Mexico, Pháp, Canada...cũng công khai chỉ trích ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel gọi ông Trump là “mối đe dọa đối với hòa bình và thịnh vượng” trong cuộc phỏng vấn hôm 6-3.
Nhà ngoại giao Mexico Claudia Ruiz Massieu tuần trước mô tả các chính sách và ý kiến của ông Trump là “dốt nát, phân biệt chủng tộc”. Vị này lên án kế hoạch xây tường dọc biên giới Mỹ - Mexico để ngăn người nhập cư bất hợp pháp là “ngớ ngẩn”.
Ông Trump đang đối mặt nhiều chỉ trích vì những phát ngôn gây tranh cãi của mình. Ảnh: Reuters
Một số đại diện chính phủ châu Âu và Trung Đông cũng bày tỏ thất vọng về phát ngôn kỳ thị người Hồi giáo của ông Trump. Phát ngôn này vô tình được nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lợi dụng để tuyển mộ thành viên.
Ngoài ra, các nước còn lo ngại Mỹ sẽ bị thu hẹp ảnh hưởng nếu ông Trump làm tổng thống. Ứng viên cộng hòa cam kết xé bỏ các hiệp định thương mại quốc tế, đồng thời thúc đẩy các đồng minh tăng cường vai trò để giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông.
“Các nhà ngoại giao châu Âu liên tục hỏi về sự trỗi dậy của ông Trump với thái độ hoài nghi và bây giờ, ngày càng hoảng loạn. EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư. Lúc này, họ cần Mỹ giúp đỡ hơn bao giờ hết” - một quan chức cấp cao của NATO nói với Reuters.
Ngay cả đảng Cộng hòa cũng có nhiều thành viên nổi lên chống đối ông Trump. Sau Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Lindsey Graham, ông trùm bất động sản Mỹ tiếp tục bị hơn 100 cựu thành viên Cộng hòa chuyên về chính sách đối ngoại viết thư ngỏ phản đối. Họ lo ngại đề xuất của ông Trump sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia.
Tướng Philip Breedlove, tư lệnh hàng đầu của quân đội Mỹ tại châu Âu, hôm 8-3 nói rằng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ đã làm dấy lên nỗi lo ngại của các đồng minh. “Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ các đối tác châu Âu về quá trình bầu cử. Họ thảo luận công khai nhiều hơn cách họ đã làm trong quá khứ” – ông Breedlove cho biết.
Các quan chức Mỹ cho rằng việc một số nhà ngoại giao nước ngoài lo lắng về các ứng viên, chẳng hạn ông Trump, giữa chiến dịch tranh cử là điều rất bình thường. Lý do: ông Trump, hoặc ứng viên nào đó, có thể trở thành tổng thống – người mà họ sẽ phải làm việc trong tương lai.
Hôm 7-3, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto tái khẳng định nước ông sẽ không trả tiền xây tường dọc biên giới với Mỹ theo đề xuất của ông Trump. Ông Pena Nieto so sánh “giọng the thé” của ông Trump với các nhà độc tài như Adolf Hitler (Đức) và Benito Mussolini (Ý).
“Tôi phải nói rằng tôi rất lấy làm tiếc về kế hoạch (của ông Trump). Tất nhiên, tôi không thể đồng ý với quan điểm của chính trị gia người Mỹ” – ông Pena Nieto trả lời phỏng vấn báo Excelsior. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mexico nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận và duy trì mối quan hệ tôn trọng với tân tổng thống Mỹ, bất kể đó là ai.
Ông Bloomberg không ra tranh cử
Cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg hôm 7-3 tuyên bố không ra tranh cử tổng thống với tư cách ứng viên độc lập. Ông Bloomberg sợ các ứng viên Cộng hòa gồm Donald Trump hay Ted Cruz có thể bước chân vào Nhà Trắng nếu mình cũng tham gia cuộc đua.
Tỉ phú truyền thông 74 tuổi thừa nhận nếu ra tranh cử ông cũng không thể giành phần thắng vì có ít cử tri ủng hộ. Vừa chỉ trích ông Trump và ông Cruz, ông Bloomberg vừa lên tiếng khen ngợi ứng viên Dân chủ Hillary Clinton và có khả năng ông sẽ ủng hộ nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ này trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Bình luận (0)