Đó là kết quả cuộc khảo sát của Oil Change International (OCI), tổ chức ủng hộ năng lượng sạch. Theo đó, 60% nguồn viện trợ cho các dự án năng lượng được chi cho nhiên liệu hóa thạch trong khi chỉ 18% chi cho năng lượng tái tạo. OCI ước tính khoản viện trợ cho lĩnh vực năng lượng ở châu Phi giai đoạn 2014-2016 là 59,5 tỉ USD - trong đó Ai Cập, Angola và Nam Phi nhận được gần một nửa.
Theo báo The Guardian (Anh), trong số các ngân hàng phát triển và 10 quốc gia được khảo sát, Trung Quốc đầu tư nhiều nhất cho ngành năng lượng châu Phi, với 5 tỉ USD/năm, 88% trong số này chi cho nhiên liệu hóa thạch. Đáng chú ý, Bắc Kinh không tài trợ cho bất kỳ dự án nhiên liệu tái tạo nào ở châu Phi. Gần 3/4 khoản viện trợ trên để khai thác dầu mỏ và khí đốt, còn 13% dành cho sản xuất điện từ đốt than đá.
Nhà máy phát điện bên sông Nile, Cairo - Ai Cập, quốc gia nhận được nhiều tài trợ cho lĩnh vực năng lượng Ảnh: REUTERS
Theo sau Trung Quốc là Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản và Đức. Ông Mohamed Adow, chuyên gia về biến đổi khí hậu quốc tế tại Tổ chức Từ thiện Christian Aid (Anh), kêu gọi các quốc gia giàu có chấm dứt các dự án năng lượng bẩn ở châu Phi và sử dụng nguồn tài chính của họ để cung cấp năng lượng sạch, xanh và có lợi cho châu Phi và thế giới trong những năm sau này.
Ông Adow đặc biệt sốc trước thông tin về viện trợ của Trung Quốc cho năng lượng ở châu Phi bởi nước này đang đầu tư mạnh để chặn đứng tình trạng ô nhiễm ở các đô thị trong nước. Chưa hết, khảo sát của OCI còn phát hiện đa phần nguồn tài chính công song phương dành cho năng lượng ở châu Phi đem lại lợi ích thương mại cho các quốc gia tài trợ.
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ Tearfund (Anh) cho biết gần 700 triệu người, chủ yếu sống ở châu Phi khu vực Hạ Sahara, đến năm 2030 vẫn chưa có điện. "Khi đầu tư cho các dự án năng lượng ở châu Phi, câu hỏi quan trọng nhất là: Dự án này có lợi nhất cho dân chúng về lâu dài không?" - ông Thuli Makama, cố vấn cao cấp của OCI cho khu vực châu Phi, nhắn nhủ.
Bình luận (0)