Trong một cuộc họp báo,.Giám đốc Cơ quan Y tế Quốc gia Pháp Jerome Salomon cho biết số ca dương tính Covid-19 trong bệnh viện tăng 9%, tức 5.233 ca, vào ngày 3-4. Ngoài ra, có tổng cộng 17.827 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm tại các viện dưỡng lão, tăng 3.189 ca so với ngày 2-4 khi số liệu của các viện dưỡng lão lần đầu được công bố.
Theo thông tin công bố ngày 3-4 từ Bộ Y tế Pháp, sau khi bao gồm số liệu này, số ca xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Pháp là 82.165 ca, khiến Pháp trở thành nước thứ 5 có nhiều ca nhiễm hơn Trung Quốc ngoài Mỹ, Tây Ban Nha, Ý và Đức.
Dữ liệu của bộ y tế cho thấy cho dù không bao gồm viện dưỡng lão, số người tử vong vì Covid-19 tại các bệnh viện Pháp cũng ghi nhận mức kỷ lục mới với 588 người chết trong một ngày, tăng 13% thành 5.091 người.
Nước này không công bố số người chết mỗi ngày tại các viện dưỡng lão nhưng theo thống kê tạm thời ngày 3-4 thì con số này là 1.416 người, tăng lên 532 so với con số 884 được công bố lần đầu ngày 2-4.
Pháp trở thành 1 trong 5 nước có số ca nhiễm Covid-19 vượt qua Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Về phần Anh, khi chuẩn bị kết thúc tuần thứ 2 trong lệnh phong tỏa, số ca tử vong đã tăng 569 người trong vòng 24 giờ, tổng cộng 3.605 người, vượt qua Trung Quốc. Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) thông báo có 2 nữ y tá khoảng 30 tuổi đã qua đời vì dịch bệnh. Hiện Anh có 38.168 người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngày 3-4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo chính phủ dự đoán dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh tại Anh vào ngày 12-4 với hàng ngàn người chết mỗi ngày. Ông Hancock hứa hẹn NHS sẽ tiến hành 100.000 cuộc xét nghiệm virus mỗi ngày cho người dân sau khi chính phủ bị chỉ trích nặng nề về cách phản ứng chậm trong đại dịch.
Cũng trong ngày 3-4, Tây Ban Nha lần đầu tiên vượt qua Ý về số ca xác nhận nhiễm dịch Covid-19 nhưng số người chết giảm 18 người so với ngày trước đó, mang lại một tia hy vọng nhỏ nhoi. Với tổng cộng 119.199 ca nhiễm, Tây Ban Nha đang đứng thứ 2 sau Mỹ trong danh sách các nước có nhiều ca bệnh nhất. Số người tử vong tại Tây Ban Nha là 11.198, chỉ thấp hơn so với con số 14.681 của Ý.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã ban hành một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất châu Âu khi chỉ cho phép nhân viên của các ngành nghề thiết yếu như y tế được đi làm. Toàn bộ các nhà hàng, quán bar và cửa hàng đều đóng cửa, các hoạt động tụ tập xã hội đều bị cấm.
Người dân Tây Ban Nha bắt đầu ở nhà từ ngày 14-3 và lệnh phong tỏa sẽ kéo dài đến 12-4. Chính phủ nước này đang cân nhắc gia hạn lệnh phong tỏa lần thứ 2.
Hiện Ý vẫn là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu với 14.681 người chết và 119.827 người nhiễm. Đây cũng là nước có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới.
Bình luận (0)