Sinh thời, Rasputin có mối quan hệ gần gũi với gia đình hoàng tộc Nga Romanov khiến giới quý tộc phải khiếp sợ. Rasputin trở thành cố vấn đáng tin cậy của nữ hoàng Alexandra Feodorovna sau khi thuyết phục được bà rằng chính mình đã cứu được hoàng tử Alexey khỏi căn bệnh máu loãng,
Kể từ đó, hắn thao túng vợ chồng Sa hoàng Nicholas II, cả về các chính sách đối ngoại của đất nước. Một sự việc từng gây tranh cãi, đó là Rasputin được cận vệ bảo vệ theo chính lệnh của hoàng gia.
Một bản ghi tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Anh (BNA) viết rằng Sa hoàng Nicholas II đã phản ứng giận dữ khi một nhà quý tộc – hoàng tử Orlof, cố gắng thuyết phục ông về mối đe doạ của Rasputin, người bị xem là nghiện rượu và bất tuân mệnh lệnh.
Một trong những câu chuyện khiến tên tuổi Rasputin nổi như cồn, đó là hắn bị một phụ nữ cuồng tín tên là Khionia Guseva ám sát. Dù bị đâm vào bụng, lòi ruột ra ngoài nhưng Rasputin không chết. Từ đó, mọi người càng tin hắn mang trong mình sức mạnh siêu nhiên.
Khoảng 100 năm trước, Rasputin bị một nhóm các nhà quý tộc ám sát bằng cách đầu độc, bắn, đánh đập và ném thi thể vào vùng nước đóng băng.
Vào ngày 30-12-1916, hoàng tử Felix Yusupov, đại công tước Dmitry Pavlovich, trung tá Sergei Sukhotin, Vladimir Purishkevich và bác sĩ Stanislaus Lazovert lên kế hoạch ám sát Rasputin ở TP St. Petersburg. Những bí ẩn xoay quanh cái chết của “kẻ mang thần lực” vẫn chưa được làm sáng tỏ, chỉ biết rằng hắn bị giết tại cung điện của hoàng tử Felix.
Một tài liệu mật từ hoàng tử Felix tiết lộ Rasputin bị dụ đến cung điện, nơi 11 người đàn ông chờ sẵn. Nhóm người này cho hắn cơ hội tự sát nhưng hắn từ chối và rút súng bắn trả.
Theo một bức điện tín do BNA công bố ngày 1-1-1917, thi thể Rasputin được phát hiện gần cây cầu Petrovsky. Nữ hoàng Alexandra không thể biết được ai là người đứng sau vụ ám sát Rasputin nhưng tin rằng cố vấn tín cẩn của mình bị ném xuống sông Neva thông qua một cái hố băng.
Cái chết bí ẩn của “kẻ mang thần lực” khiến nữ hoàng Alexandra giận sôi máu. Bà tìm cách trút giận bằng cách ra lệnh quản thúc đại công tước Dmitry.
Bộ Nội vụ đã mở cuộc điều tra về sự biến mất cũng như cái chết nhiều uẩn khúc của Rasputin. Cuộc điều tra do tướng Pyotr Popov dẫn đầu. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Rasputin đã bị bắn 3 lần: vào ngực, lưng và trán – vết thương chí mạng khiến ông ta tử vong.
Có một số lời đồn đại rằng Rasputin thân mang thần lực, được ví như quỷ dữ nên gần như bất tử. Vì vậy, nhóm của hoàng tử Felix phải dùng nhiều cách mới tiêu diệt được hắn, thậm chí phải ném thi thể tên này xuống vùng nước đóng băng để ngăn hắn tái sinh.
Tuy nhiên, bác sĩ Dmitry Kosorotov – người khám nghiệm tử thi của Rasputin - không tìm thấy dấu vết của chất độc trên người cũng như không phát hiện có nước ở trong phổi hắn. Yếu tố này dẫn đến kết luận “kẻ thần bí” tử vong trước khi bị ném xuống nước.
Bác sĩ Lazovert, một trong những người tham gia vụ ám sát Rasputin, sau này thừa nhận ông tẩm một chất vô hại vào bánh mà Rasputin ăn, không phải chất độc cyanide, sau khi suy nghĩ lại. Ngay cả lời khai và hồi ký cá nhân của hoàng tử Felix mà ông cung cấp trong những năm 1917-1965 cũng thay đổi nhiều lần và mâu thuẫn với những điều tra ban đầu.
Tất cả những người tham gia vụ ám sát Rasputin đều không bị trừng phạt nặng, thậm chí còn được ca ngợi như những vị anh hùng. Riêng hoàng tử Felix phải chịu cảnh đi đày. Sau cuộc cách mạng tháng 2-1917, ông lên một chiếc tàu chiến của Anh cùng với gia đình mình từ Crimea đến Malta. Họ sống ở London một thời gian trước khi trở về Paris vào năm 1920, nơi hoàng tử Felix qua đời vào năm 1967.
Vào thời điểm đó, cũng nổi lên thông tin mật vụ Anh đã tham gia vào vụ giết Rasputin. Đại sứ Anh tại Nga George Buchanan được cho là biết về âm mưu ám sát Rasputin khoảng 1 tuần trước khi nó xảy ra.
Một giả thuyết hay được nhắc tới, đó là điệp viên người Anh Oswald Rayner đã nổ súng kết liễu Rasputin. Chính phủ Anh nghi ngờ hắn thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Đức, có thể giúp Nga thoát khỏi Thế chiến giai đoạn 1914-1918, trong khi chủ trương chống lại liên minh giữa Nga và Anh.
Bình luận (0)