Jabbari bị hành hình ở nhà tù Evin, phía Tây Bắc thủ đô Tehran của Iran, hôm 25-10, vì tội giết một cựu bác sĩ phẫu thuật trong cơ quan tình báo bằng dao nhíp vào năm 2009. Cô gái 26 tuổi khẳng định người đàn ông này đã cố cưỡng hiếp mình.
Lời kêu gọi bị phớt lờ
Ngay khi tòa án Iran ra phán quyết, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU), Văn phòng Đối ngoại Anh và Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã lên án và yêu cầu trả tự do cho Jabbari. Theo Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền, sở dĩ Jabbari nhận tội là do áp lực cùng những lời đe dọa từ phía các công tố viên Iran. Họ cho rằng quá trình xét xử vụ án vào năm 2009 có nhiều sai sót nên yêu cầu xét xử lại.
Một số diễn viên Iran và nhiều nhân vật có tiếng tăm đã phát động chiến dịch xin khoan hồng cho Jabbari. Từ tháng 9 năm nay, một chiến dịch kêu gọi hoãn thi hành án được phát động trên mạng xã hội Facebook và Twitter.
Reyhaneh Jabbari tự bào chữa trong phiên tòa đầu tiên tại Tehran
Ảnh: THE WASHINGTON TIMES
Không ít lần ngành tư pháp Iran gia hạn cho gia đình của cựu sĩ quan Abdolali Sarbandi được phép miễn tội cho Jabbari dựa trên một điều khoản của luật Hồi giáo Sharia. Theo đó, án tử hình vì tội giết người có thể được giảm xuống thành án tù.
Thế nhưng, hãng tin Tasnim đưa tin người thân của cô Jabbari không nhận được sự đồng ý của gia đình Sarbandi. Đài BBC cho biết lời bào chữa cô chỉ tự vệ không được chấp nhận tại tòa.
IRNA dẫn báo cáo pháp y cho rằng ông Sarbandi bị đâm từ sau lưng và việc giết ông này có tính toán từ trước. Trái lại, một quan sát viên của Liên Hiệp Quốc nhận định hành động của Jabbari chỉ nhằm tự vệ. Theo lời của Jalal Sarbandi, con trai của ông Sarbandi, cô Jabbari, thú nhận có một người đàn ông khác trong căn hộ nơi cựu nhân viên tình báo bị giết song quyết không hé lộ danh tính.
Di thư gửi mẹ
Không muốn thi thể bị mục rữa trong lòng đất, cô Jabbari đã bày tỏ nguyện vọng hiến tặng nội tạng trong tin nhắn thoại cuối cùng gửi mẹ. Bằng một giọng trầm tĩnh, cô Jabbari kể về việc phải đối mặt với án tử hình vì tội tự vệ chống lại người đàn ông cố làm nhục mình.
“Mẹ thân yêu, hôm nay con nhận ra rằng đã tới lượt con đối mặt với Qisas (luật trừng phạt của Iran). Con đau lòng khi tại sao mẹ không để con biết mình đã chạm tới trang cuối trong cuốn sách cuộc đời. Mẹ không nghĩ rằng con nên biết sao? Mẹ có biết con xấu hổ thế nào khi làm mẹ buồn” - Jabbari nói.
Cô nhớ lại những lời mẹ dạy trước kia rằng bất cứ ai đến với thế giới này cũng để có được trải nghiệm, học các bài học và gánh một trách nhiệm trên vai. Bài học cô rút ra là đôi lúc cần phải chiến đấu. Thế nhưng, việc xuất hiện trước tòa biến cô trở thành kẻ giết người máu lạnh và một tội nhân tàn nhẫn.
Cô Jabbari nhờ mẹ hiến các bộ phận cơ thể sau khi mình qua đời. “Con không muốn đôi mắt hay trái tim trẻ trung của mình thành cát bụi. Cho nên, ngay khi con bị treo cổ, trái tim, thận, mắt, xương và bất cứ thứ gì của con có thể cấy ghép được, hãy mang chúng đi khỏi cơ thể con và tặng cho ai đó cần chúng như một món quà. Con không muốn người nhận biết tên mình, mua tặng con hoa hay thậm chí cầu nguyện cho con” - cô nhắn nhủ trong di thư.
Bình luận (0)