Chương trình sinh hoạt hằng ngày theo kỷ luật quân đội của các học viên tại trung tâm cai nghiện internet ở ngoại ô Bắc Kinh bắt đầu từ lúc 6 giờ và kết thúc lúc 21 giờ 30 phút. Chuyên gia tâm lý Đào Nhiên cho rằng chương trình cai nghiện của trung tâm giúp các con nghiện internet tìm lại sự tự tin và vui sống với bạn bè, người thân trong hiện thực chứ không phải miệt mài với thế giới ảo như trước đây.
Sinh hoạt tại trung tâm cai nghiện internet ở Bắc Kinh. Ảnh: The Christian Science Monitor
Tìm lại đời sống thực
Trung Quốc hiện có khoảng 290 triệu người sử dụng internet và 70% số người này dưới 30 tuổi. Tiến sĩ Đào Nhiên ước lượng khoảng từ 4% đến 6% cư dân trên mạng ở Trung Quốc – bao gồm 13% học sinh – nghiện internet. Từ nghiện dùng để chỉ những người tiếp xúc mỗi ngày 6 giờ với internet trong hơn 3 tháng mà không phải vì công việc hoặc học tập, nghiên cứu. Tổng cộng có khoảng 17 triệu con nghiện internet ở Trung Quốc.
Trung tâm cai nghiện của ông Đào được sáng lập hồi năm 2004 và hiện đã trở thành mô hình mẫu cho 300 cơ sở khác khắp Trung Quốc. Nơi đây ngoài việc huấn luyện kỷ luật theo kiểu quân đội, khoảng 60 học viên trải qua một chế độ sinh hoạt trong 3 tháng bao gồm tiếp nhận tư vấn, các hoạt động xây dựng lòng tin, giáo dục giới tính và khoảng 60% trong số này được dùng thuốc. Phương pháp điều trị căn cứ trên những vấn đề gia đình và tâm lý, khuyến khích tự tin vào bản thân mình. Ở trung tâm có một số bạn nữ được đưa đến để “cắt cơn nghiện” các trò chơi trên mạng như trang trí nhà ảo, lấy chồng và nuôi con ảo... Ông Đào thở dài cho biết trường hợp một cô gái có đến 68 ông chồng ảo. Tuy nhiên, đa số con nghiện là nam, từ 15 – 21 tuổi, nghiện đủ loại trò chơi trên mạng, nhất là các trò chơi chiến đấu.
Phóng viên báo The Christian Science Monitor đã tiếp xúc với một thiếu niên người gốc thành phố Thanh Đảo là Giả Xuân Dương đang cai nghiện tại trung tâm này. Từ hai năm nay, mỗi ngày Dương dành ít nhất 5 hoặc 6 giờ chơi trò chiến tranh trên internet và cuộc sống của cậu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cậu nói: “Quan hệ của em với bạn bè không còn tốt nữa. Em lấy cắp tiền của gia đình và trốn học. Khi em không được chơi, em cảm thấy rất buồn chán”. Dương suy sụp vào năm 2006, khi đó cậu bỏ nhà đi và ở hẳn tại một quán cà phê internet trong 15 ngày. Cậu chơi xuyên suốt, lâu lâu ăn một ít mì khi quá đói và dành khoảng nửa giờ để ngủ khi quá mệt. Cha mẹ cậu tìm kiếm bắt về và sau đó đưa đến trung tâm này. Hiện nay, dù cảm thấy cực khổ trong giờ rèn luyện thân thể và huấn luyện quân sự nhưng Dương khỏe hơn và thay đổi rất nhiều.
Yếu tố gia đình
Tiến sĩ Đào Nhiên lưu ý vấn đề tâm lý và gia đình cũng góp phần khiến giới trẻ nghiện internet. Phần lớn các em xuất thân từ những gia đình bị đổ vỡ hoặc ít được chăm sóc về tâm lý tình cảm lúc tuổi thơ. Ông Đào nhấn mạnh rằng không những các bạn trẻ cần được trị liệu mà phụ huynh cũng phải cần được trợ giúp. Trung tâm tạo cho thanh thiếu niên và gia đình họ cơ hội gắn kết với nhau hơn, giúp các bạn trẻ dung hòa được thời gian trên mạng với thời gian học tập và vui đùa với người khác. Khoảng 20% trường hợp nặng hơn là số thanh thiếu niên mắc bệnh về tâm lý như thiếu khả năng chú ý, hiếu động thái quá hoặc rối loạn nhân cách và cần được quan tâm hơn.
Theo ông Đào, trung tâm cũng nhằm thay đổi hiện trạng nhức nhối của xã hội Trung Quốc lâu nay là những vấn đề khó khăn trong gia đình, bệnh tâm thần, tình trạng nghiện ngập thường bị giấu nhẹm vì e ngại mất uy tín. Tuy nhiên, sự hiện đại hóa nhanh chóng đặt ra những thách thức mới về mặt xã hội như sức ép gay gắt trong cạnh tranh tìm việc làm; sự gắn kết trong gia đình trở nên lỏng lẻo; tỉ lệ ly dị tăng cao và một số vấn đề khác liên quan tới thị trường và công nghệ mới nên gia đình Trung Quốc bắt đầu cởi mở hơn. Đây là những vấn đề tác động mạnh vào tâm lý giới trẻ.
Một phụ nữ từ tỉnh Giang Tô dẫn con đến trung tâm cai nghiện nói rằng thế hệ của bà không có cái mà bà gọi là “heroin tinh thần” như trò chơi trên internet hiện nay. Bà khen ngợi cách làm ở đây vì đã kết hợp các hình thức trị liệu bằng tâm lý, giáo dục, thuốc men, huấn luyện quân sự và rèn luyện thân thể - cách mà gia đình bà không thể làm được.
Bình luận (0)