Theo tờ Khmer Times, Tướng Keo Vannthan cho hay người quản lý sòng bạc là công dân Trung Quốc và người này thừa nhận đã ép buộc các lao động Việt Nam làm việc trái ý họ nhưng cho rằng những người bỏ trốn đang nợ tiền của công ty.
Theo Tướng Vannthan, đội điều tra cũng lấy lời khai của 11 người Việt Nam mắc kẹt tại đây. Những người này cho biết lý do bỏ trốn là do có tranh chấp với quản lý sòng bạc vì phía sòng bạc không tuân thủ theo hợp đồng.
Quan chức Cục Di trú Campuchia nói chuyện với đại diện sòng bạc. Ảnh: Khmer Times
Phát ngôn viên Cục Di trú Campuchia cho hay: "Công ty này hứa trả lương 800 USD nhưng người quản lý chỉ trả 400-500 USD một tháng". Những người Việt Nam tại đây đang bị tạm giữ để chờ trục xuất vì không ai có hộ chiếu.
Hôm 21-8, ông Kong Sophoan, tỉnh trưởng tỉnh Kandal, cho biết cảnh sát đang điều tra quy mô hoạt động phạm tội tại sòng bạc Golden Phoenix trước khi quyết định bước tiếp theo.
Ông Sophoan nói: "Chúng tôi yêu cầu các công ty tuân thủ luật lao động của Campuchia và theo giấy phép kinh doanh đã được cấp, đảm bảo nhân viên thực hiện đúng nghĩa vụ, không sử dụng ma túy, không cưỡng ép hoặc giam người trái phép".
Ông Sophoan kêu gọi Công an Việt Nam và cảnh sát Campuchia phối hợp giải quyết vấn đề này nhằm tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho các nhà đầu tư. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Kheng hôm 19-8 cho biết nước này đang mở cuộc rà soát quy mô toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Campuchia, chú trọng tìm kiếm công dân nước ngoài là nạn nhân của những kẻ buôn người.
Ông Sar Kheng cho hay cảnh sát hai tỉnh Kandal và Sihanoukville đã kiểm tra tình trạng người nước ngoài cư trú hoặc làm việc tại các khách sạn, bất động sản cho thuê và sòng bạc.
Bình luận (0)