Trong tuyên bố chung sau phiên họp 2 ngày kết thúc vào ngày 18-2, bộ trưởng tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khẳng định lạm phát và rủi ro địa chính trị có thể đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng các nền kinh tế G20 cam kết sử dụng "mọi công cụ chính sách sẵn có để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19" nhưng cảnh báo khoảng trống chính sách trong tương lai có thể trở nên "eo hẹp hơn hoặc không đồng đều".
Lạm phát đang leo thang ở nhiều quốc gia vì gián đoạn chuỗi cung ứng, chênh lệch cung - cầu giữa lúc giá cả hàng hóa và năng lượng gia tăng - tuyên bố chung nêu rõ sau phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến ở thủ đô Jakarta - Indonesia.
Tuyên bố chung không đề cập trực tiếp đến khủng hoảng Ukraine, chỉ nói rằng G20 sẽ tiếp tục theo dõi các rủi ro, "kể cả những rủi ro phát sinh từ căng thẳng địa chính trị". Cùng với tuyên bố trên, kỳ vọng về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào tuần tới đã giúp chứng khoán châu Âu và Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 18-2.
Theo Reuters, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu có thời điểm tăng 0,3% trong lúc hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Mỹ tăng lần lượt 0,7% và 0,8%. Trước đó 1 ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hối thúc G20 tập trung hợp tác để phục hồi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang chịu tác động nặng nề của Covid-19.
Ông Widodo nhấn mạnh: "Đây không phải là lúc tạo ra những căng thẳng mới làm gián đoạn phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng có thể đe dọa an ninh thế giới như tình hình Ukraine hiện nay".
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati trò chuyện cùng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi Elias Kganyago trước phiên họp hôm 18-2 của G20 Ảnh: REUTERS
Tốc độ hồi phục kinh tế chênh lệch giữa các nước hiện là một trở ngại đối với chính sách của các ngân hàng trung ương. Trái ngược với nhiều quốc gia giàu có, biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh chóng tại nhiều nền kinh tế đang phát triển, kể cả Indonesia.
Theo tạp chí Nikkei, đối với một quốc gia cần kinh tế phát triển ổn định để người lao động có việc làm như Indonesia, chính phủ không thể giảm đà sản xuất dễ dàng như giai đoạn đầu đại dịch, đặc biệt là khi kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng sau thời gian dài chịu sức ép từ các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Indonesia chưa cao (chỉ khoảng 50%) và có sự chênh lớn giữa các tỉnh, không ít chuyên gia cảnh báo việc tập trung phát triển kinh tế có thể đe dọa sinh mạng.
"Chính phủ tiếp tục cân bằng giữa đạp thắng và nhả ga. Chúng ta không thể đạp thắng quá lâu nhưng cũng chẳng thể nhả ga quá nhanh" - Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan khẳng định trong lúc công bố lệnh thắt chặt một số hạn chế ở các đảo Java và Bali vào đầu tuần này.
Mở cửa thận trọng để phục hồi kinh tế là tâm lý chung của các nước châu Á giữa lúc nỗi lo Omicron thuyên giảm. Nhật Bản ngày 17-2 thông báo quyết định nới lỏng kiểm soát biên giới, cho phép người lao động và du học sinh tiêm 3 liều vắc-xin được nhập cảnh mà không cần phải cách ly từ tháng tới. Tuy nhiên, biên giới của quốc gia này vẫn đóng đối với du khách.
Nhiều hành khách cũng nhận được tin vui vào ngày 17-2, khi Singapore ngừng yêu cầu xét nghiệm PCR đối với những người nhập cảnh theo diện làn đi lại vắc-xin (VTL). Thay vì xét nghiệm PCR ngay khi nhập cảnh như trước đây, du khách sẽ có 24 giờ để xét nghiệm nhanh dưới sự giám sát của lực lượng chức năng. Chưa hết, Singapore mở rộng chương trình VTL, cho phép hành khách đến từ nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Á nhập cảnh không cách ly.
Chạy đua hạ nhiệt khủng hoảng Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vào cuối tuần tới với điều kiện không có cuộc tấn công nào của Nga nhằm vào Ukraine.
Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi ông Blinken có bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 17-2, trong đó ông cảnh báo các lực lượng Nga vẫn đang chuẩn bị tấn công Ukraine trong "những ngày tới". Ông Price cho biết cuộc gặp tuần tới với Nga do Mỹ khởi xướng vì cho rằng ngoại giao và đối thoại là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tổng thống Joe Biden cũng thảo luận với các đồng minh NATO hôm 18-2 trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris và ông Blinken đến Đức tham dự Hội nghị An ninh Munich, sự kiện vắng mặt đại diện Nga. Việc Nga không tham dự sau nhiều năm cho thấy mối quan hệ Đông - Tây đã xấu đi nhiều như thế nào.
Trước lễ khai mạc hội nghị thường niên kéo dài 3 ngày này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock kêu gọi Nga có các bước đi nghiêm túc nhằm xuống thang căng thẳng. Tình hình càng thêm phức tạp khi số vụ giao tranh ở miền Đông Ukraine đang gia tăng giữa quân đội chính phủ và phe ly khai do Nga hậu thuẫn.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nói với đài Die Welt (Đức) rằng EU có thể chứng kiến làn sóng tị nạn từ 20.000 đến hơn 1 triệu người trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở Ukraine. Ông Schinas cũng cho biết hiện có khoảng 20.000 công dân EU vẫn ở Ukraine và EU sẵn sàng huy động viện trợ nhân đạo đáng kể cũng như giúp bảo vệ dân thường.
Xuân Mai
Bình luận (0)