Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) diễn ra ở TP New York - Mỹ ngày 23-9 trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đối mặt sức ép gia tăng, đặc biệt là sau báo cáo mới của LHQ về biến đổi khí hậu và Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của thanh thiếu niên (YCS).
Hội nghị có sự tham gia của khoảng 70 lãnh đạo trên toàn thế giới, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đáng chú ý là sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump, người viện lý do họp khẩn về "lũ lụt thảm họa" ở TP Houston, bang Texas. Ông Trump chính là nhà lãnh đạo rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.
Vài ngày trước khi hội nghị diễn ra, theo báo The Straits Times, chính phủ Đức đã công bố một gói biện pháp chống biến đổi khí hậu với tổng trị giá 59 tỉ USD nhằm cắt giảm khí thải trong 2 lĩnh vực giao thông vận tải và sưởi ấm - vốn chiếm 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Đức.
Dù vậy, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước triển khai nhiều kế hoạch tham vọng hơn nữa để tăng cường cam kết cắt giảm khí thải và đạt được mục tiêu giảm lượng phát thải khí carbon xuống mức 0. Ông Guterres nhấn mạnh biến đổi khí hậu là "một mối đe dọa thực sự" đối với nhân loại và chính phủ các nước cần quyết liệt hơn nữa để làm chậm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. "Chúng ta đang thất bại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tình hình đang ngày một tồi tệ hơn" - ông Guterres cảnh báo.
Trong báo cáo được công bố ngày 22-9, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của LHQ cảnh báo lượng khí thải vào bầu khí quyển trái đất tiếp tục tăng mạnh, trong đó 80% đến từ nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Báo cáo khẳng định G20 đang thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu khí hậu mà họ đề ra và các nước nhìn chung phải đóng góp gấp 3 lần cam kết mà họ đã đề ra trong năm 2015 để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này. Nếu không quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo các nhà nghiên cứu, thế giới sẽ đối mặt với nắng nóng, mưa bão, hạn hán và lũ lụt thảm khốc hơn.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thị sát tình hình cháy rừng ở tỉnh Riau hôm 17-9Ảnh: REUTERS
"Tôi tin rằng mức độ nguy hiểm đang gia tăng. Điều này có nghĩa là chúng ta có ít thời gian để giải quyết vấn đề hơn chúng ta nghĩ. Về cơ bản, nếu muốn khắc phục biến đổi khí hậu, chúng ta phải ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch" - ông Tom Burke, từ tổ chức chống biến đổi khí hậu E3G, nhận định với đài Al Jazeera.
Một thông tin đáng lo ngại trong báo cáo của WMO là nhiệt độ toàn cầu bình quân từ năm 2015 đến 2019 dự kiến đạt mức cao nhất so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào từng được ghi nhận. Tình trạng thế giới ngày càng nóng đe dọa làm nghiêm trọng hơn thảm họa cháy rừng đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Riêng ở Đông Nam Á, một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore… đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì ô nhiễm khói mù xuất phát từ các đám cháy rừng ở Indonesia, theo báo The Straits Times. Nhiều khu vực ở miền Nam Thái Lan hôm 23-9 bị khói mù bao phủ trong khi chất lượng không khí ở tỉnh Phuket và TP Hat Yai giảm xuống dưới mức gây hại cho sức khỏe.
Cùng ngày, theo báo The Star, 57 trường học ở các quận Kuala Langat và Klang - Malaysia, buộc phải đóng cửa vì ô nhiễm khói mù, làm ảnh hưởng đến khoảng 68.000 học sinh. Trước đó, hãng thông tấn Bernama đưa tin nhiều chuyến bay đi từ TP Ipoh - Malaysia đến Singpore cũng đã bị hủy vào ngày 22-9 vì tầm quan sát bị hạn chế.
Trong khi đó, tại Indonesia, bầu trời nhiều khu vực ở tỉnh Jambi đã biến thành màu đỏ vào ngày 22-9 vì khói bụi từ cháy rừng. Cùng ngày, chất lượng không khí ở TP Pekanbaru, tỉnh Riau, rơi xuống mức thấp kỷ lục trong khi chỉ số tiêu chuẩn chất ô nhiễm (PSI) bụi mịn PM10 vượt ngưỡng 700, cao hơn mức cao nhất đo được trong đợt khói mù tồi tệ nhất ở Indonesia hồi 2015.
Điểm nóng Trung Đông
Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 của Đại hội đồng LHQ diễn ra từ ngày 24 đến 30-9 giữa lúc thế giới đối mặt một loạt vấn đề nóng, như bất ổn kinh tế, Trung Đông đầy biến động, tình trạng toàn cầu ấm dần lên… Theo báo The New York Times, chiến tranh thương mại, di cư, nguồn cung năng lượng, khí hậu, xóa đói nghèo đều là những chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự của phiên thảo luận.
Ngoài tâm điểm cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dư luận cũng quan tâm đến cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran theo sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu ở Ả Rập Saudi. Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani dự kiến lần lượt đưa ra quan điểm về an ninh ở Trung Đông trong bài phát biểu trước các lãnh đạo thế giới trong các ngày 24 và 25-9.
Hôm 22-9, Tổng thống Donald Trump một lần nữa để ngỏ khả năng có cuộc gặp đột xuất bên lề hội nghị với Tổng thống Rouhani.
Khi được hỏi liệu có bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoặc một đại diện khác của Mỹ với phái đoàn Iran tại Đại hội đồng LHQ hay không, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết "không có kế hoạch gì". Trái lại, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif cho đài CNN hay ông Rouhani sẵn sàng gặp ông Trump trong tuần này với điều kiện Tổng thống Donald Trump phải có hành động cần thiết bằng cách dỡ bỏ trừng phạt đổi lại việc giám sát vĩnh viễn các cơ sở hạt nhân Iran.
Iran chỉ là một trong số những thách thức về chính sách đối ngoại mà ông Donald Trump phải bận tâm khi dự phiên thảo luận năm nay. Theo hãng tin AP, nhà lãnh đạo Mỹ hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận về một loạt vấn đề khác, như Triều Tiên, Taliban, Israel và Palestine…, bên cạnh một số hiệp định thương mại còn dang dở. Về cuộc chiến thương mại với nền kinh tế thứ hai thế giới, theo tờ The New York Times (Mỹ), Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến gặp những người đồng cấp Trung Quốc bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ. Động thái cho thấy chính quyền Mỹ đang tìm cách tạo bầu không khí tích cực hơn cho các cuộc đàm phán thương mại dự kiến được nối lại vào tháng tới.
Xuân Mai
Bình luận (0)