Theo tờ Financial Times hôm 12-9, khi được hỏi liệu Indonesia có mua dầu từ Nga hay không, Tổng thống Widodo cho biết Indonesia luôn xem xét tất cả các lựa chọn, tất nhiên càng phải cân nhắc nếu có quốc gia nào đưa ra giá tốt hơn.
Hồi đầu tháng này, ông Widodo đã tăng giá nhiên liệu vốn đã được trợ giá lên 30% và cho rằng việc tăng giá xăng dầu là "lựa chọn cuối cùng" của ông do áp lực tài chính, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên khắp đất nước 270 triệu dân này.
Hồi đầu tháng này, ông Widodo đã tăng giá nhiên liệu lên 30%. Ảnh: Bloomberg
Bất kỳ động thái nào về việc mua dầu thô của Nga với giá cao hơn mức giá trần mà Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) nhất trí đều có thể khiến Indonesia phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết Indonesia đã được chào bán dầu thô của Nga với mức chiết khấu 30%. Theo đó, công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Pertamina cho biết họ đang xem xét các rủi ro khi mua dầu của Nga.
Theo hãng tin Reuters, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã công bố tỉ lệ lạm phát là 4,69% vào tháng 8, cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương từ 2 đến 4% trong tháng thứ 3 liên tiếp do giá thực phẩm tăng cao.
Trong nỗ lực để chống lại động thái áp trần giá dầu của G7, Nga đề nghị với Ấn Độ rằng họ sẵn sàng cung cấp xăng dầu với mức giá thậm chí thấp hơn trước đó. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết yêu cầu đổi lại là Ấn Độ không được ủng hộ đề xuất của G7. Các quan chức cho biết mức chiết khấu đáng kể mới của Nga sẽ còn nhiều hơn so với mức giảm giá mà Iraq dành cho Ấn Độ trong hai tháng qua.
Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai trên toàn cầu, đã nhiều lần được G7 yêu cầu tham gia áp trần giá dầu của Nga. Các quan chức cho rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn hàng từ Nga khi Nga tiếp tục cạnh tranh về giá chiết khấu với các nhà sản xuất lớn khác.
Bình luận (0)