Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, sẽ chính thức khai mạc tối nay (29-5) tại Singapore với bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long.
Đã trở thành diễn đàn an ninh có uy tín bậc nhất khu vực kể từ khi ra đời năm 2002, đối thoại năm nay đánh dấu sự ra mắt lần đầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người thay ông Chuck Hagel hồi đầu năm nay.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Carter rất được chờ đợi khi ông dự kiến nêu cụ thể các biện pháp mới của Mỹ ở khu vực, đặc biệt để đối phó với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh trỗi dậy ngày càng quyết liệt và táo tợn, gây lo ngại cho các nước láng giềng. Cùng xuất hiện với ông Carter là Đô đốc Harry Harris, tân tư lệnh nhậm chức hôm 27-5 của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM).
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (giữa) tại lễ nhậm chức của Đô đốc Harry Harris (bìa trái)
Ảnh: Hải quân Mỹ
Ông William Choong, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, đơn vị tổ chức Shangri-La), nhận định biển Đông sẽ là vấn đề “bùng nổ” nhất trong số 3 chủ đề chính của hội nghị năm nay, gồm khủng bố, thương mại và lãnh thổ.
Chỉ 2 ngày trước đối thoại, tại lễ nhậm chức của ông Harris ở Trân Châu Cảng, Hawaii, ông Carter tuyên bố mạnh mẽ: “Trước hết, chúng tôi muốn giải pháp hòa bình cho mọi tranh chấp và ngừng ngay mọi hoạt động cải tạo đất. Thứ hai, Mỹ sẽ bay qua, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép như là đã làm trên phạm vi toàn cầu. Cuối cùng, với các hành động ở biển Đông, Trung Quốc đang chệch hướng với thông lệ quốc tế - vốn là nền tảng của cấu trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương”.
Theo ông Carter, hành động của Trung Quốc đang đưa các nước trong khu vực xích lại gần nhau và Mỹ vẫn sẽ là “cường quốc an ninh chủ chốt ở châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới”.
Tờ Sydney Morning Herald (Úc) đánh giá đây là cảnh báo mạnh mẽ nhất của Mỹ từ trước đến nay đối với những hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông. Trong khi đó, được cho là cứng rắn hơn nhiều so với người tiền nhiệm Samuel Locklear, tân tư lệnh PACOM Harris mô tả việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc là “lố bịch” tại lễ nhậm chức của mình.
Có lẽ lường trước làn sóng phản đối tại Shangri-La, năm nay lần đầu tiên Trung Quốc cử một đô đốc hải quân đến dự. Đó là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), nhân vật được chuyên gia Lý Kiệt tại Bắc Kinh nhận xét là “tốt nghiệp trường tàu ngầm của hải quân PLA, rành về luật hàng hải quốc tế và chiến lược hàng hải dài hạn của Trung Quốc”.
Chỉ trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã mở rộng tổng cộng hơn 400 ha - tương đương 1.500 sân bóng đá - trên biển Đông, với mục đích vừa phục vụ quân sự vừa bóp méo hiện trạng trước khi tòa án trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với “đường 9 đoạn”.
Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc thông báo xây thêm 2 ngọn hải đăng ngoài biển Đông, đồng thời công bố Sách trắng về chiến lược quân sự, trong đó nhấn mạnh việc triển khai sức mạnh ra ngoài biển lớn thay vì tập trung vào lục quân và bảo vệ vùng biển như trước. Các biện pháp đối phó của Mỹ được coi là quan trọng trong việc bảo đảm an ninh khu vực vào lúc này.
Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút quan chức quốc phòng của gần 30 nước, trong đó có Nhật Bản, Úc, Đức, Anh, Ấn Độ, Indonesia... Đoàn Việt Nam có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tham dự. Ngay sau Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ thăm Việt Nam.
Việt Nam theo dõi sát biển Đông
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 28-5, trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc có thể đã chuyển vũ khí lên đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã nhiều lần khẳng định luôn theo dõi sát sao hành động của các bên ở biển Đông.
“Chúng tôi yêu cầu và mong muốn tất cả các bên duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” - ông Bình nêu rõ. Trước đó một ngày, tờ The Sydney Morning Herald (Úc) đưa tin Trung Quốc đã chuyển vũ khí lên các đảo nhân tạo và có thể còn đưa thêm radar tầm xa, súng phòng không cũng như bay giám sát tại đây.
Trước câu hỏi về việc Trung Quốc xây 2 hải đăng trên các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. “Hành động trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm DOC” - ông Bình khẳng định.
Về quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc công bố Sách trắng về chiến lược quân sự, trong đó có nội dung cố tình biện hộ việc xây đảo trái phép, ông Bình nhấn mạnh là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và đóng góp trách nhiệm để duy trì hòa bình và an ninh.
D.Ngọc
Quyết tâm của Mỹ
Bằng cách công bố những đoạn video về hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh ở biển Đông vào tuần rồi, Mỹ đang phát đi thông điệp sẽ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc đồng thời tìm cách thúc đẩy các đối tác châu Á hành động nhiều hơn. “Không ai muốn thức dậy vào một buổi sáng nào đó và phát hiện Trung Quốc đã xây hàng loạt tiền đồn (trên đảo nhân tạo) và nghiêm trọng hơn, trang bị trên đó các hệ thống quân sự” - trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói.
Ông Ernest Bower, một chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng người Mỹ trước mắt sẽ cho Trung Quốc thấy một số quyết tâm của mình. Về lâu dài, mục tiêu của Washington là thuyết phục Bắc Kinh dựa vào luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp thay vì đơn phương áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý.
Không chỉ có quan điểm cứng rắn hơn, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên còn thúc giục các nước ASEAN sớm có lập trường thống nhất hơn bởi “nếu chờ thêm 4 năm nữa, mọi chuyện coi như an bài”. Vào tháng rồi, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ quan ngại rằng hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở biển Đông làm xói mòn lòng tin và có thể hủy hoại hòa bình trong khu vực.
Sự hợp tác cũng gia tăng giữa một số nước đang đối đầu với Trung Quốc về chủ quyền lãnh hải. Bên cạnh việc cân nhắc tham gia tuần tra trên biển Đông với Mỹ, Nhật Bản sẽ bắt đầu thảo luận với Philippines vào tuần tới về khuôn khổ cho việc chuyển giao thiết bị, công nghệ quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng nhận được cam kết bảo vệ từ người đồng cấp Mỹ Ashton Carter tại cuộc gặp ở bang Hawaii hôm 27-5. Một quan chức Philippines cho biết sự hỗ trợ của Mỹ cho nước này đã chuyển trọng tâm từ chống khủng bố qua an ninh hàng hải.
Hải quân Mỹ đang đặt mục tiêu triển khai 60% tàu của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020, so với tỉ lệ 57% hiện nay.
Hoàng Phương
Bình luận (0)