Quan hệ Washington - Moscow bước vào giai đoạn căng thẳng mới vào ngày 15-4 khi Tổng thống Mỹ Joe Biden áp lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, với cáo buộc tấn công mạng, can thiệp bầu cử và đe dọa binh sĩ Mỹ ở Afghanistan.
Những động thái được chính quyền Tổng thống Biden triển khai bao gồm trục xuất 10 nhân viên ngoại giao Nga, trừng phạt 6 công ty công nghệ Nga và đưa 32 cá nhân bị xác định là có liên quan đến các chiến dịch can thiệp bầu cử vào danh sách đen. Tổng thống Biden còn chỉ thị Bộ Tài chính Mỹ cấm các tổ chức tài chính của nước này cho vay hoặc mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương, Quỹ Đầu tư Quốc gia hoặc Bộ Tài chính Nga. Một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Tổng thống Biden khẳng định lệnh cấm này có thể gây ra "hiệu ứng sâu rộng", làm suy yếu đồng rúp và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Nga.
Lệnh trừng phạt được ban bố giữa lúc ông chủ Nhà Trắng nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa đối phó Nga và thúc đẩy đối thoại để thiết lập quan hệ "ổn định, có thể lường" với quốc gia này. Theo báo The New York Times, lệnh trừng phạt là nỗ lực đầu tiên của Tổng thống Biden nhằm vạch ra "lằn ranh đỏ" đối với điều ông khẳng định là những hành vi không thể chấp nhận. Đây cũng là lần đầu tiên Washington chính thức cáo buộc Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga (SVR) đứng sau chiến dịch tấn công mạng SolarWinds khiến ít nhất 9 cơ quan liên bang và hàng chục công ty Mỹ bị xâm nhập.
Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga (SVR) chính thức bị cáo buộc tấn công mạng Công ty SolarWinds (Mỹ) để xâm nhập các hệ thống của chính phủ Mỹ Ảnh: BLOOMBERG
Vài tuần trước tuyên bố hôm 15-4 của Tổng thống Biden, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định chỉ riêng lệnh trừng phạt là không đủ để răn đe Moscow. Theo giới chuyên gia, rất khó để phản bác tuyên bố của Cố vấn Sullivan bởi kể từ năm 2014, Mỹ và các đồng minh mỗi năm đều áp lệnh trừng phạt bổ sung nhưng không thể ngăn cản Nga. Mặc dù một vài yếu tố trong đợt trừng phạt mới nhất, cụ thể là nhằm vào nợ chính phủ Nga, ẩn chứa nhiều rủi ro đối với Moscow, khoảng trống để Nga "xoay xở" vẫn là tương đối lớn. Kịch bản các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu Nga trên thị trường thứ cấp có thể làm giảm tác động tổng thể của lệnh trừng phạt.
Theo giới chuyên gia, điều này phản ánh mong muốn của Tổng thống Biden về việc gửi thông điệp đến Nga nhưng không khiến căng thẳng vượt tầm kiểm soát. Vài giờ sau khi công bố lệnh trừng phạt, bản thân Tổng thống Biden cũng đã kêu gọi xuống thang căng thẳng, nói rằng chính quyền của ông không muốn khơi mào một vòng trừng phạt luẩn quẩn hay tìm kiếm xung đột với Moscow. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng hành động cứng rắn hơn nếu Nga tiếp tục can thiệp vào nền dân chủ Mỹ. Bà Evelyn Farkas, cựu quan chức Lầu Năm Góc, khẳng định những hành động của Tổng thống Biden là một nỗ lực nhằm thể hiện sức mạnh nhưng vẫn để mở khả năng hợp tác với Moscow.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 15-4 tuyên bố Moscow sẽ đáp trả lệnh trừng phạt "phi pháp" của Washington. Vị này còn khẳng định với hãng thông tấn TASS rằng nước đi mới của Washington đã làm tổn hại đến khả năng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh với lệnh trừng phạt nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden đã đi ngược lại mong muốn bình thường hóa quan hệ Washington - Moscow của ông chủ Nhà Trắng. Bà Zakharova cho biết thêm rằng Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan để phản ứng với "hành động hung hăng khiến căng thẳng leo thang một cách nguy hiểm giữa 2 nước".
Bình luận (0)