Một số vụ đụng độ buộc cảnh sát chống bạo động đẩy lùi những người biểu tình quá khích bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng. Lối vào của Tòa thị chính Bordeaux bị đốt. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết 149 cảnh sát và hàng chục người biểu tình đã bị thương, 172 người bị bắt trên cả nước.
Các cuộc biểu tình và ngừng việc tập thể vẫn còn kéo dài đến hôm 24-3 khiến các chuyến tàu cao tốc, tàu điện ngầm Paris và hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn khác bị gián đoạn. Khoảng 30% chuyến bay tại sân bay Paris Orly bị hủy.
Bộ Giáo dục Pháp cho biết khoảng 24% giáo viên ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, 15 giáo viên trung học phổ thông đã nghỉ việc trong ngày 23-3. Hoạt động các nhà máy lọc dầu cũng bị gián đoạn khiến một số trạm xăng thiếu nhiên liệu; các kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), việc cung cấp điện và bảo trì lò phản ứng hạt nhân… cũng bị ảnh hưởng.
Cảnh sát chống bạo động Pháp đứng gác tại Nhà máy Lọc dầu Total Energies khi các công nhân ngừng việc tập thể hôm 24-3 và tập trung trước nhà máy để phản đối cải cách chế độ hưu trí Ảnh: REUTERS
Các nghiệp đoàn bày tỏ lo ngại biểu tình có thể trở nên bạo lực hơn nếu chính phủ không chú ý đến sự tức giận ngày càng tăng của công chúng, trong khi một số nghiệp đoàn có kế hoạch biểu tình lần nữa vào ngày 28-3. Chuyến thăm của Vua Anh Charles III, dự định sang Pháp từ ngày 26-3 và ghé thăm Paris, Bordeaux, đã bị hoãn.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 23-3, Tổng thống Pháp đã từ chối thay đổi quan điểm của mình rằng một luật mới là cần thiết để duy trì quỹ hưu trí. Những người phản đối đề xuất các giải pháp khác bao gồm đánh thuế người giàu và các doanh nghiệp cao hơn, điều mà ông Macron cho rằng sẽ gây tổn hại nền kinh tế.
Ông Macron khẳng định dự luật tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ phải được thực hiện vào cuối năm nay. Dự luật chỉ còn chờ sự phê chuẩn của Hội đồng Hiến pháp.
Bình luận (0)