Giá dầu thô Brent có lúc tăng 3,25% lên 108,39 USD/thùng vào chiều 4-5 (giờ Việt Nam) trong khi giá dầu thô WTI tăng 3,72% lên 106,13 USD/thùng.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von Der Leyen đề xuất lệnh cấm vận dầu theo từng giai đoạn đối với Nga, cũng như trừng phạt ngân hàng hàng đầu của Nga nhằm tăng cường cô lập Moscow liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.
Theo bà Ursula Von Der Leyen, gói trừng phạt thứ 6 này gồm việc dừng nhập dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng và không mua thêm các sản phẩm dầu tinh chế vào cuối năm nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng cam kết sẽ giảm thiểu tác động lên các nền kinh tế châu Âu.
Tại Mỹ, trữ lượng dầu thô và nhiên liệu giảm trong tuần trước, theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ. Các kho dự trữ dầu thô giảm 3,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29-4. Đây là mức giảm nhiều hơn mức ước tính là 800.000 thùng/ngày trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong ngày 5-5 dự kiến sẽ duy trì chính sách tăng sản lượng dầu hằng tháng.
Một bể chứa tại trạm bơm dầu Kaleikino gần TP Almetyevsk - Nga. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, chuyên gia phân tích Simone Tagliapietra tại Viện Nghiên cứu Bruegel (Bỉ) cho rằng kế hoạch cấm vận dầu Nga của EU là một "canh bạc rủi ro".
Ông Simone nhấn mạnh: "Trong ngắn hạn, điều đó sẽ gây ra tác động tiêu cực cho kinh tế châu Âu nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung do giá năng lượng tăng. Đó là chưa kể đến những rủi ro Nga đáp trả bằng việc cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên".
Bên cạnh đó, gói trừng phạt mới của EU cũng đề xuất loại một số ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trong một nỗ lực cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU dự kiến thông qua các đề xuất của EC sớm nhất trong tuần này.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, hãng thông tấn Ukrinform (Ukraine) hôm 3-5 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev có thể tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về quy chế trung lập của nước này.
Tổng thống Zelensky khẳng định sẵn sàng xem xét quy chế trung lập cho Ukraine nếu Nga muốn xác định đây là một trong những điều khoản cho thỏa thuận chấm dứt xung đột hiện nay.
Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh cuộc trưng cầu ý dân chỉ có thể được thực hiện sau khi Ukraine nhận được sự bảo đảm về an ninh từ một số quốc gia cụ thể. Lãnh đạo Ukraine cũng lưu ý ngoài quy chế trung lập, quá trình đàm phán hòa bình còn nhiều điều khoản khác cần thảo luận, trong đó có vấn đề về các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Tổng thống Ukraine khẳng định những vấn đề cấp bách nhất trong các cuộc đàm phán với Nga là bảo đảm an ninh, tình trạng trung lập của Ukraine, bán đảo Crimea và vùng ly khai ở Donbass. Ông Zelensky cũng từng tuyên bố Ukraine sẽ không chấp nhận từ bỏ các vùng lãnh thổ phía Đông để đổi lấy việc chấm dứt xung đột với Nga.
Sau hơn 2 tháng căng thẳng, Nga và Ukraine vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận hòa bình, bất chấp các cuộc đàm phán trực tiếp và trực tuyến giữa phái đoàn 2 bên vẫn tiếp diễn.
Trong diễn biến leo thang tại Ukraine, lực lượng Nga hôm 4-5 tấn công các mục tiêu trên khắp miền Đông Ukraine và nỗ lực tiến về phía Tây trước sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine. Thống đốc vùng Donetsk Pavlo Kyrylenko cho biết đoàn xe sơ tán người dân đã rời TP Mariupol đang hướng đến TP Zaporizhzhia do Ukraine kiểm soát.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk hôm 4-5 cho biết nhà chức trách có kế hoạch tiếp tục sơ tán dân thường khỏi Mariupol và các khu vực lân cận nếu tình hình an ninh cho phép.
Bình luận (0)