Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) hôm 2-10 thông báo Triều Tiên đã phóng một vật thể lạ, nhiều khả năng là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong, vào sáng sớm cùng ngày. Theo JCS, vụ phóng diễn ra vào lúc 7 giờ 11 phút (giờ địa phương) gần TP Wonsan, phía Đông của thủ đô Bình Nhưỡng và tên lửa bay được khoảng 450 km; đạt độ cao tối đa khoảng 910 km. Theo hãng tin Yonhap, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã tổ chức một cuộc họp khẩn và thể hiện quan ngại sâu sắc với vụ phóng này.
Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản khẳng định tên lửa dường như đã tách thành 2 mảnh trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. "Vào thời điểm hiện tại, dường như một quả tên lửa được phóng và tách thành 2 mảnh trước khi rơi xuống. Chúng tôi đang đánh giá chi tiết" - Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tại buổi họp báo hôm 2-10.
Người dân ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 2-10 Ảnh: REUTERS
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động của Triều Tiên, nói rằng đây là một động thái vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, một quan chức giấu tên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định với đài Reuters rằng Washington đã nắm thông tin vụ việc và sẽ tiếp tục giám sát tình hình cũng như phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực.
Đáng chú ý, chỉ vài giờ trước vụ phóng, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui khẳng định các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Triều sẽ được nối lại vào ngày 5-10. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus trong một tuyên bố cũng đã xác nhận thông tin này nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc từ tháng 2, khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Theo giới chuyên gia, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa trước vòng đàm phán mới nhiều khả năng để gợi nhắc Washington về năng lực vũ khí của họ. "SLBM của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Mỹ. Tàu ngầm của Triều Tiên có thể xâm nhập lãnh thổ đối phương và triển khai các cuộc tấn công bằng tên lửa này" - ông Lee Il-woo, từ Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.
Nhiều chuyên gia khác khẳng định hành động của Triều Tiên rõ ràng còn nhằm "gia tăng sức ép lên Mỹ" trước thềm đàm phán. "Triều Tiên có xu hướng gia tăng sức ép trước các cuộc đàm phán để đạt được những động thái nhượng bộ chưa từng có từ đối phương" - chuyên gia Leif-Eric Easley của Trường ĐH Ewha (Hàn Quốc) chia sẻ, đồng thời khẳng định vụ phóng mới đây là "một canh bạc" của Bình Nhưỡng bởi việc thử nghiệm một hệ thống vũ khí như vậy có thể khiến Washington từ bỏ nỗ lực đàm phán.
Trong khi đó, ông Harry Kazianis, Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (Mỹ), khẳng định Triều Tiên dường như đã thể hiện lập trường của họ một cách khá rõ ràng ngay cả khi các cuộc đàm phán còn chưa bắt đầu. Theo ông Kazianis, Bình Nhưỡng như muốn tái khẳng định với Washington rằng họ sẽ không phi hạt nhân hóa hoàn toàn chỉ để đổi lấy những lời hứa hẹn gỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Trong khi đó, theo báo The New York Times, giới chức Mỹ gặp khó khăn trong việc tìm ra những đề xuất mới nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Một trong những đề xuất được Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét là "đóng băng hạt nhân" tạm thời nhằm ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục mở rộng kho vũ khí của mình. Theo một quan chức ngoại giao giấu tên của Mỹ, một trong những thách thức hiện nay là làm sao để các cuộc đàm phán mới không trở thành phương tiện để Bình Nhưỡng trì hoãn quá trình phi hạt nhân hóa. Cùng lúc đó, tiến trình thương thảo cần phải tạo ra bước đột phá vừa đủ để Tổng thống Donald Trump thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh lần 3 với Triều Tiên.
Bình luận (0)