Thị trường tài chính gặp cú "sốc" nặng khi 2 ngân hàng ở Mỹ - Silicon Valley (SVB) và Signature - phải ngừng hoạt động, sau đó đến lượt ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) lao đao.
Tình hình có thể càng nghiêm trọng khi tác động của việc tăng lãi suất đối với các công ty, tập đoàn chuẩn bị hiển hiện. Trước đó, hôm 23-3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %).
Khách hàng đợi trước cửa chi nhánh Silicon Valley ở bang Massachusets - Mỹ hôm 13-3, 3 ngày sau khi ngân hàng này sụp đổ Ảnh: REUTERS
Tác động trên được đánh giá sẽ gây ra rủi ro cao cho châu Á - nơi mức vay của các công ty, tập đoàn đã tăng vọt trong những năm gần đây, tương đương hoặc thậm chí vượt qua nợ của chính phủ.
Năm ngoái, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3, một tổ chức giám sát kinh tế vĩ mô, lưu ý nợ doanh nghiệp phi tài chính ở các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), Nhật Bản và Hàn Quốc đã gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khiến sự ổn định tài chính đối mặt rủi ro nghiêm trọng hơn.
Khoản nợ của các công ty phi tài chính toàn cầu là 88.000 tỉ USD vào cuối năm 2021, lần đầu tiên vượt quá giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, nguyên nhân là do lãi suất tăng.
Nhà phân tích tài chính kỳ cựu Jesper Koll nhận định: "Lãi suất tăng sẽ kéo theo những điều tồi tệ…". Theo SCMP, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một thập kỷ lãi suất thấp kỷ lục đã gây ra lạm phát giá tài sản khổng lồ.
Tuy nhiên, bức tranh lạm phát đã thay đổi khi các chính phủ tung ra những khoản hỗ trợ khổng lồ trong đại dịch COVID-19. Đợt tăng giá cả tiêu dùng sau đó khiến các ngân hàng trung ương hoảng sợ và tăng mạnh lãi suất một cách đột ngột, dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng ngân hàng mới đây.
Bình luận (0)