Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình BFM TV, ông Delfraissy - người đứng đầu hội đồng khoa học của chính phủ Pháp - cho rằng việc trở lại cuộc sống bình thường sau dịch Covid-19 có thể không xảy ra cho đến năm 2022 hoặc thậm chí năm 2023.
Ông Delfraissy dự đoán Pháp có thể ghi nhận khoảng 50.000 ca mắc mới Covid-19 hằng ngày vào đầu tháng 8. Trước đó, hôm 22-7, ông Delfraissy nói làn sóng Covid-19 thứ tư sẽ tác động lên các bệnh viện Pháp trong nửa cuối tháng 8.
GS Jean-Francois Delfraissy. Ảnh: AP
Đặc biệt, ông Delfraissy đưa ra cảnh báo đáng sợ: "Chúng ta có thể chứng kiến một biến thể Covid-19 khác vào mùa đông này. Tôi không thể dự đoán hậu quả hoặc trả lời liệu nó có nguy hiểm hơn hay không".
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang kêu gọi người dân Pháp tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Theo ông Delfraissy, thử thách lớn trong vài năm tới sẽ là cách chúng ta tồn tại như thế nào với "hai thế giới": các quốc gia được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đầy đủ và ngược lại.
Tính đến trưa 23-7 (giờ GMT), Pháp đang có 5.933.510 ca mắc, 111.565 ca tử vong và 5.162.757 trường hợp phục hồi do Covid-19.
Cảnh báo được ông Delfraissy đưa ra trong bối cảnh thế giới đang quay cuồng trước biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Nhiều quốc gia nghèo gặp phải tình trạng thiếu hụt vắc-xin Covid-19, trong khi một số quốc gia khác có đủ nguồn cung cấp vắc-xin nhưng chưa hoàn tất kế hoạch tiêm phòng - chẳng hạn Nga.
Hôm 22-7, báo The Times of Israel đưa tin Công ty dược phẩm Oramed bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 qua đường uống. Đơn vị phát triển tin rằng nó có thể giúp các quốc gia đang gặp khó khăn trong tiêm phòng vì cơ sở hạ tầng hạn chế.
Vắc-xin của Oramed chỉ có 1 liều duy nhất, trước đó "tạo kháng thể thành công ở heo". Công ty tuyên bố vắc-xin của họ không cần lưu trữ ở nhiệt độ thấp cũng như không cần chuyên gia y tế tiêm phòng.
Giám đốc điều hành Oramed Nadav Kidron nói điều này có thể "thay đổi cuộc chơi" ở các quốc gia như Ấn Độ, nơi chỉ có 5% dân số đã được tiêm phòng Covid-19.
Bình luận (0)