Đó là cảnh báo của bà Masako Mori, cố vấn về vấn đề tỉ lệ sinh và cộng đồng LGBTQ (đồng tính, song tính, chuyển giới và dị tính) của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, trong một cuộc phỏng vấn sau khi nước này công bố những số liệu mới nhất về dân số hồi cuối tháng trước.
"Nếu cứ thế này, đất nước sẽ biến mất" - bà Mori nói, trong bối cảnh số em bé chào đời ở Nhật Bản năm 2022 rơi xuống con số thấp kỷ lục: 799.728 trẻ, lần đầu tiên dưới mốc 800.000 trẻ chào đời mỗi năm. Theo Bộ Y tế Nhật Bản hôm 28-2, con số này giảm gần một nửa so với 40 năm trước (Nhật Bản ghi nhận hơn 1,5 triệu trẻ ra đời vào năm 1982).
Hãng tin Bloomberg liệt kê hàng loạt số liệu thống kê đáng lo khác, như dân số cả nước giảm liên tục từ thập niên 1980 và đang đứng ở mốc 124,6 triệu người vào năm ngoái, số người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 29% dân số, số người qua đời năm 2022 cao kỷ lục trong thời hậu chiến với hơn 1,58 triệu người…
Theo đài CNN, tình trạng số người qua đời cao hơn số trẻ sinh ra ở Nhật đã tồn tại hơn một thập kỷ, khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đối mặt dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp, đòi hỏi về lương hưu và chăm sóc người già tăng cao…
"Nếu không cải thiện được thực tế này, hệ thống an sinh xã hội sẽ sụp đổ, sức mạnh công nghiệp và kinh tế suy giảm trong khi không đủ người gia nhập lực lượng phòng vệ để bảo vệ đất nước" - bà Mori nhận định.
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản ngày 3-3 Ảnh: REUTERS
Câu chuyện tương tự đang xảy ra ở 2 nước Đông Á khác là Hàn Quốc và Trung Quốc. Tỉ lệ sinh tại Hàn Quốc vốn đã thấp nhất thế giới lại tiếp tục sụt giảm vào năm ngoái - hiện là 1,3 và thấp hơn nhiều so với mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định.
Độ tuổi phụ nữ sinh con đầu lòng ở xứ sở kim chi là 33 vào năm 2022 trong khi số trẻ sinh ra tính theo đầu phụ nữ chỉ là 0,78 - theo dữ liệu chính phủ công bố hồi tháng trước. Cứ như vậy, đến năm 2100, dân số Hàn Quốc dự kiến giảm 53%, xuống chỉ còn 24 triệu người.
Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ những năm 1960, Trung Quốc chứng kiến dân số suy giảm vào năm ngoái, giảm khoảng 850.000 người xuống còn 1,411 tỉ người.
Việc trẻ sinh ra ngày càng ít đi tiềm ẩn nguy cơ dài hạn với nền kinh tế, nguyên nhân do thiếu hụt lao động dẫn tới ảnh hưởng tăng trưởng và sức cạnh tranh. Chi phí cho dân số già cũng hút cạn ngân sách lẽ ra dùng để phát triển kinh doanh, nghiên cứu… Với Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ bị tác động một khi nền kinh tế số hai thế giới bị giảm sức mạnh.
Đảo ngược đà giảm dân số là việc cực kỳ khó khăn! Thủ tướng Kishida hồi tháng 1 khẳng định Nhật Bản xem hỗ trợ sinh con là chính sách quan trọng hàng đầu và hứa hẹn tăng gấp đôi ngân sách cho các chương trình liên quan đến trẻ em.
Tuy nhiên, chỉ tiền bạc thôi chưa thể giải quyết vấn đề đa nguyên nhân này. Theo đài CNN, chi phí sinh hoạt ở Nhật rất cao, không gian sống và các hỗ trợ chăm sóc trẻ trong các thành phố bị hạn chế…, khiến các cặp đôi ngại sinh con. Tương tự, các chương trình khuyến khích kết hôn và sinh con tại Hàn Quốc, Trung Quốc cũng chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Một vấn đề khác rất được quan tâm và đang được giới chuyên gia nhấn mạnh nhiều hơn là thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó cần có những thay đổi nhằm giảm bớt gánh nặng nuôi dưỡng con cái của phụ nữ và tạo điều kiện cho họ tái tham gia lực lượng lao động sau khi sinh nở.
Nhìn nhận các mối quan hệ phi truyền thống?
Ít nhất 20 chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò được phát sóng trên truyền hình cáp, truyền hình trực tuyến của Hàn Quốc vào năm 2022. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều chương trình cho thấy xu hướng chấp nhận các mối quan hệ phi truyền thống.
Ví dụ, chương trình "Sống chung không hôn nhân" tập trung vào các cặp đôi chọn không kết hôn, còn "Người đàn ông của anh ấy" là một trong hai chương trình về cộng đồng LGBTQ. Nhiều chương trình khác tập trung vào những người ly hôn đang tìm kiếm tình yêu.
Việc kết hôn hay không đã trở thành nguyên nhân căng thẳng giữa anh Cho Sung-ho và cô Lee Sang-mi, một cặp đôi xuất hiện trong chương trình "Sống chung không hôn nhân".
Cô Lee, 32 tuổi, là một người mẫu và không hào hứng chuyện con cái. Cô thẳng thắn bày tỏ mình khó có thể trở thành người mẹ tốt, đồng thời ái ngại những nghĩa vụ với gia đình hai bên nếu kết hôn. Anh Cho, cũng 32 tuổi, vẫn hy vọng vào hôn nhân và con cái nhưng nhìn nhận bản thân hiểu sự miễn cưỡng của cô Lee, vì phụ nữ thường chịu gánh nặng lớn hơn trong việc nuôi dạy con cái.
Các chương trình cho thấy sự chấp nhận đa dạng hơn các mối quan hệ theo kiểu phương Tây. Giáo sư tâm lý học Lim Myung-ho từ Trường ĐH Dankook (Hàn Quốc) cho biết những cuộc trò chuyện trong các chương trình lẫn dư luận xung quanh - hướng về hẹn hò và các mối quan hệ - đều rất tốt cho Hàn Quốc vì thúc đẩy thái độ tích cực hơn với việc hẹn hò và hôn nhân.
Theo một cuộc khảo sát khoảng 1.000 người vào năm 2022 của Hiệp hội Dân số, Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc, 2/3 người độc thân từ 19-34 tuổi không có mối quan hệ nào; 61% nữ giới và 48% nam giới được hỏi cũng không có ý định tìm bạn trai hay bạn gái. Số cặp vợ chồng mới kết hôn cũng giảm tới 23% trong 5 năm qua.
Anh Thư
Bình luận (0)