Ông Biggar hôm 20-11 cho hay: "Như bất kỳ cuộc xung đột nào, khi vũ khí gửi vào sẽ có nguy cơ bị tuồn ra ngoài. Vào giai đoạn cuối cuộc xung đột, có những vũ khí dư lọt vào tay bọn tội phạm hoặc khủng bố".
Theo đài RT, ông Biggar nói rằng cảnh sát ở Anh và châu Âu đang đề phòng khả năng súng lục, súng máy và lựu đạn xuất hiện trên đường phố.
Súng trường của các binh sĩ Ukraine ở Bucha, Ukraine. Ảnh: AP
Ông Biggar cho hay NCA chưa nhận thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc bọn tội phạm lấy được vũ khí từ Ukraine. Tuy nhiên, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) và Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) đều cảnh báo vũ khí chắc chắn sẽ rời khỏi Ukraine và được đưa đến chợ đen.
Phía Ukraine cũng thừa nhận rằng họ không thể theo dõi hầu hết các chuyến hàng vũ khí khi chúng vào nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tháng trước cho rằng số vũ khí trị giá 1 tỉ USD được chuyển từ Ukraine cho các nhóm tội phạm và khủng bố ở Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á mỗi tháng.
Hồi tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng "các nhóm tội phạm xuyên biên giới" đã thu được vũ khí mạnh mẽ, bao gồm hệ thống phòng không di động và vũ khí tấn công chính xác có nguồn gốc từ Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 20-11 cho biết các vụ nổ mạnh do pháo kích làm rung chuyển khu vực Zaporizhzhia, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, đồng thời kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để giúp ngăn chặn tai nạn hạt nhân tại cơ sở hiện do Nga kiểm soát này.
Cuộc giao tranh làm dấy lên nỗi ám ảnh về một thảm họa hạt nhân kể từ khi quân đội Nga chiếm đóng nhà máy trong những ngày đầu của cuộc chiến tại Ukraine. Tổng thống Ukraine cho biết một loạt cuộc tấn công quân sự quy mô lớn của Nga, gồm gần 400 cuộc tấn công chỉ riêng hôm 20-11, diễn ra ở các khu vực phía Đông Ukraine và các trận chiến ác liệt trên bộ đã làm rung chuyển tỉnh Donetsk.
IAEA cho biết các cuộc pháo kích đã dừng lại và các chuyên gia sẽ đánh giá tình hình trong ngày 21-11. Cơ quan này ghi nhận thiệt hại ở một số khu vực tại địa điểm nhà máy nhưng không có rò rỉ phóng xạ hoặc mất điện.
Lãnh đạo IAEA gọi vụ pháo kích là "cực kỳ đáng lo ngại" và kêu gọi cả hai bên khẩn trương đảm bảo một khu vực an ninh và an toàn hạt nhân quanh nhà máy.
Bình luận (0)