Theo AP, các phát biểu trên được ông Mohammed Shia al-Sudani đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo - Ai Cập hôm 21-10.
Ông cảnh báo nguồn cung dầu từ Trung Đông cho thị trường quốc tế có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xung đột giữa Israel và Hamas leo thang đến mức lôi kéo các nước khác trong khu vực.
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani - Ảnh: REUTERS
Cảnh báo của thủ tướng Iraq được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng các nước Trung Đông có thể cắt xuất khẩu dầu sang phương Tây để đáp trả một cuộc tấn công trên bộ của Israel ở Gaza.
Nếu kịch bản đó xảy ra, cuộc xung đột sẽ "tác động đến an ninh toàn cầu, leo thang xung đột khu vực, gây nguy hiểm cho nguồn cung cấp năng lượng, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo ra thêm xung đột", theo lời ông Al-Sudani.
Ông cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và trao đổi tù nhân để chấm dứt đổ máu. "Người Palestine không có nơi nào khác ngoài đất đai của họ" - thủ tướng Iraq nói.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm 18-10 đã làm sôi sục thị trường năng lượng khi ông kêu gọi các nước Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu "ngay lập tức và toàn diện" đối với Israel.
Trong quá khứ, lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973 đối với Mỹ và các quốc gia khác ủng hộ Israel đã dẫn đến tình trạng xếp hàng dài tại các trạm xăng và gây ra tác động kinh tế nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 12% lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Đông, giảm từ mức khoảng 85% vào những năm 1970.
Cựu Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nói với AP rằng thị trường dầu mỏ quốc tế vẫn không ổn định và cuộc xung đột Israel - Hamas có thể đẩy giá lên cao hơn.
"Đó chắc chắn là tin xấu đối với lạm phát" - ông Birol cho biết, nói thêm rằng các nước đang phát triển dựa vào dầu thô và sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất.
Hamas cũng được hậu thuẫn bởi Iran, quốc gia được xếp hạng là nước sản xuất dầu lớn thứ tám thế giới. Ngay cả khi không có sự đồng tình từ các nhà xuất khẩu lớn khác, Tehran vẫn có khả năng gây gián đoạn thị trường đáng kể.
Ngoài ra, khoảng 1/3 lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua eo biển Hormuz, nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman và biển Ả Rập.
Bình luận (0)