Một số nghiên cứu trong vài năm qua đã bóng gió về mối liên hệ giữa sử dụng mạng xã hội và trầm cảm. Mới đây, theo trang Business Insider, một nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) góp thêm chứng cứ cho giả thuyết trên.
Nhà tâm lý Melissa G. Hunt, đứng đầu cuộc nghiên cứu, kết luận rằng việc ít sử dụng mạng xã hội sẽ giảm đáng kể trạng thái trầm cảm và cô đơn.
Có sự liên quan giữa sử dụng mạng xã hội với trạng thái trầm cảm và cảm giác cô đơn Ảnh: SHUTTERSTOCK
Một công trình nghiên cứu khác - vừa đăng trên tạp chí Preventive Medicine Reports - cũng nhận thấy những người trong độ tuổi 13-18 dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính và máy tính bảng từ 7 giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ trầm cảm và lo âu cao gấp 2 lần những ai chỉ xem 1 giờ mỗi ngày.
Cuộc nghiên cứu còn phát hiện các đối tượng trên dễ bị sao nhãng, kém ổn định về cảm xúc và khó hoàn thành công việc cũng như kết bạn.
Nhà tâm lý Jean Twenge, người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH bang San Diego, nhận định điện thoại thông minh và mạng xã hội đang tạo ra thế hệ "iGen" u buồn.
Theo chuyên gia này, iGen là thế hệ sinh năm 1995 trở về sau, tốn nhiều thời gian hơn cho internet, mạng xã hội và chơi game, ít khi rời màn hình để làm những việc khác, như đọc sách… Tuy vậy, các tác giả cuộc nghiên cứu cũng khuyên giới trẻ không nên hoàn toàn từ bỏ truyền thông số bởi điều này cũng gắn liền với tình trạng không vui.
Bình luận (0)