xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảnh giác cao độ bệnh đậu mùa khỉ

Hoàng Phương

Cách tốt nhất để cắt đứt chuỗi lây nhiễm là tiêm vắc-xin cho người có nguy cơ hoặc có thể từng tiếp xúc với bệnh

Ủy ban châu Âu (EC) vừa phê chuẩn sử dụng vắc-xin Imvanex của Công ty Công nghệ Sinh học Bavarian Nordic (Đan Mạch) để phòng bệnh đậu mùa khỉ ở Liên minh châu Âu (EU).

Bavarian Nordic công bố thông tin trên hôm 25-7 và cho biết một bước đi như thế có thể giúp các nước cải thiện sự sẵn sàng ứng phó với những căn bệnh mới nổi. Trước đó, EU chỉ mới cho phép sử dụng Imvanex để phòng bệnh đậu mùa.

Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm".

 Số ca mắc đậu mùa khỉ đã gia tăng kể từ đầu tháng 5 bên ngoài các nước ở Tây và Trung Phi, nơi căn bệnh này lưu hành từ lâu. Theo WHO, khoảng 16.000 người đã mắc bệnh này ở 75 quốc gia tính đến cuối tuần rồi.

Cảnh giác cao độ bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng đợi được tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ ở TP Chicago - Mỹ hôm 25-7 Ảnh: REUTERS

Đã xuất hiện nỗi lo nhiều nước chưa nỗ lực đủ để ngăn nguy cơ xảy ra đợt bùng phát quy mô lớn trên thế giới. Bà Syra Madad, chuyên gia dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại New York (Mỹ), hôm 25-7 nhận định với đài CNBC rằng không nên xem nhẹ đợt bùng phát này.

Theo bà, điều thực sự đáng lo ngại là virus đậu mùa khỉ đang lây lan ở những quốc gia không thuộc vùng lưu hành của bệnh. Chuyên gia Madad lưu ý thêm dù nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm cao nhất nhưng virus đang bắt đầu lây lan ra cộng đồng rộng hơn.

"Chẳng hạn, Mỹ có 2 trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ do lây từ người sống cùng nhà mắc bệnh trước đó. Những trường hợp như vậy có thể bắt đầu xuất hiện nhiều hơn theo thời gian khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng" - bà Madad nhận định.

Cũng chia sẻ nỗi lo trên, bà Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO khu vực Đông Nam Á, nhận định: "Đậu mùa khỉ đang lây nhanh chóng và lan đến nhiều quốc gia chưa từng ghi nhận bệnh này trước đây và đó là điều đáng lo ngại".

Bà Khetrapal Singh cho rằng dù nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ chỉ ở mức độ trung bình tại khu vực và trên thế giới nhưng khả năng nó lan rộng ra toàn cầu là có thật. Ngoài ra, vẫn còn nhiều điều chưa biết về loại virus gây bệnh này.

"Chúng ta cần cảnh giác và chuẩn bị triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây lan hơn nữa" - bà Khetrapal Singh nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường hệ thống giám sát và các biện pháp y tế công cộng.

Riêng bà Madad cho rằng cách tốt nhất để cắt đứt chuỗi lây nhiễm là tiêm vắc-xin cho người có nguy cơ hoặc có thể đã từng tiếp xúc với bệnh. Dù vậy, theo chuyên gia này, việc tiếp cận được vắc-xin đang gặp trở ngại, nhất là tại Mỹ, bởi nhu cầu đang vượt xa nguồn cung.

Theo Reuters, Imvanex hiện là loại vắc-xin duy nhất được phê chuẩn để phòng bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ. Ông Paul Chaplin, Giám đốc điều hành Bavarian Nordic, cho Reuters biết công ty đang thương thảo về việc nâng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với vắc-xin này. Bavarian Nordic có thể sản xuất khoảng 30 triệu liều vắc-xin các loại mỗi năm. 

Việt Nam tăng cường các biện pháp ứng phó

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện mức độ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ ít hơn so với các bệnh lây qua đường hô hấp nói chung, đặc biệt là Covid-19. Việt Nam chưa ghi nhận đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ lây lan vào nước ta rất cao.

"Những nước có sự giao lưu đi lại nhiều thì có tỉ lệ lây nhiễm cao. Trong khi đó đặc điểm của đậu mùa khỉ là thời gian ủ bệnh kéo dài (5 đến 21 ngày) và biểu hiện lâm sàng không dễ nhận diện đầy đủ, có thể trùng hợp với các bệnh khác..." - ông Lân cảnh báo.

Việt Nam đang tăng cường các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh. Cùng đó, Bộ Y tế đang xây dựng các kịch bản để khi có ca bệnh không bất ngờ bị động. Việt Nam hiện vẫn đang ở nhóm 1 là chưa có ca bệnh và các biện pháp thực hiện là phải tăng cường giám sát cửa khẩu và cộng đồng, đồng thời giám sát, theo dõi các sự kiện của đất nước để xử lý nhanh chóng, kịp thời không để dịch bệnh lây lan.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng vấn đề quan trọng là phải kết hợp giữa dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị cập nhật hướng dẫn thu dung điều trị và hướng dẫn giám sát, truyền thông cho người dân để nhận diện dấu hiệu bệnh giúp phát hiện bệnh sớm. "Trong trường hợp dịch lan rộng, Bộ Y tế cũng tính đến giải pháp về tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ cũng như thuốc điều trị" - ông Lân nói.

Để phát hiện sớm bệnh, GS Lân khuyến cáo ngoài việc sàng lọc ca bệnh tại cơ sở y tế thì người dân cần ý thức trong việc hợp tác, khai báo y tế đầy đủ khi có dấu hiệu của đậu mùa khỉ để khoanh vùng, cách ly nhanh chóng.

N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo