"Điều WHO lặp đi lặp lại là chúng ta không thể tự mãn. Covid-19 rất nguy hiểm, chỉ cần chúng ta tiếp xúc gần là đã có thể bị lây nhiễm. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta cần duy trì cảnh giác, đặc biệt là ở những quốc gia không thể thực hiện giãn cách xã hội" - bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, khẳng định với đài CNBC.
Cho đến khi có được vắc-xin hiệu quả và an toàn, thế giới cần tiếp tục chung sống và kiểm soát Covid-19 thêm "vài năm", bà Swaminathan nói thêm. Mặc dù nhiều vắc-xin đang được phát triển, thế giới sẽ rất may mắn nếu có kết quả thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay và 1 vắc-xin hiệu quả vào đầu năm tới. Sau đó, sẽ mất thêm 1 hoặc 2 năm sản xuất quy mô lớn, cung cấp đủ vắc-xin cho hàng tỉ người trên thế giới tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng - bà Swaminathan giải thích.
Một cụ ông chỉnh lại khẩu trang trong lúc chờ tàu hỏa tại TP Karachi - Pakistan hôm 9-6 Ảnh: REUTERS
Tương tự, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID) Anthony Fauci cảnh báo đại dịch Covid-19 còn lâu mới chấm dứt, nói rằng: "Trong vòng 4 tháng, Covid-19 đã tàn phá cả thế giới và nó vẫn chưa dừng lại". Sau hàng chục năm nghiên cứu HIV, TS Fauci khẳng định Covid-19 là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong sự nghiệp của ông và so với những gì đang diễn ra, bệnh AIDS "đơn giản hơn nhiều". Theo ông Fauci, hiện vẫn còn nhiều bí ẩn về Covid-19 và cách thức virus tấn công cơ thể trong khi giới chuyên gia vẫn chưa xác định được liệu những người từng nhiễm Covid-19 nặng có thể phục hồi hoàn toàn hay không.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước trên thế giới đang mở cửa trở lại, kể cả khi số ca mắc Covid-19 toàn cầu mỗi ngày tăng mạnh. Theo báo The New York Times, mặc dù tỉ lệ lây nhiễm ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ và châu Âu đã giảm, virus vẫn đang lây lan mạnh mẽ ở những nơi khác trên thế giới.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết thế giới đã ghi nhận mức tăng kỷ lục vào ngày 7-6, với 136.000 ca nhiễm mới sau 24 giờ và 75% trong số này đến từ 10 quốc gia, chủ yếu tại châu Mỹ và Nam Á.
Tại khu vực Mỹ Latin, số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở những quốc gia triển khai lệnh phong tỏa sớm, như Peru và Bolivia, lẫn những quốc gia phớt lờ các biện pháp ngăn ngừa virus, như Brazil và Nicaragua. Khu vực Nam Á cũng đã trở thành một trong những "điểm nóng" mới khi ghi nhận tốc độ lây nhiễm nhanh nhất thế giới hồi tuần trước. Theo hãng tin Bloomberg, số người nhiễm Covid-19 tại Pakistan, Bangladesh và Ấn Độ đã tăng thêm lần lượt 27%, 19% và 17%.
Theo Thủ tướng Pakistan Imran Khan, Covid-19 tại quốc gia của ông nhiều khả năng đạt đỉnh vào cuối tháng 7 hoặc tháng 8, thay vì tháng 6 như dự đoán ban đầu. Trong một động thái bất thường, WHO đã hối thúc Pakistan phong tỏa trở lại, kêu gọi quốc gia này triển khai các biện pháp cách ly theo chu kỳ 2 tuần thực hiện, 2 tuần ngưng.
Bình luận (0)