Hôm 15-9, Hungary đóng cửa toàn bộ biên giới với Serbia sau khi người di cư phá hỏng một đoạn hàng rào kẽm gai để tìm cách xâm nhập nước này. Budapest còn tổ chức phiên tòa lưu động xét xử nhanh những người tị nạn bị bắt giữ.
Sau đó 1 ngày, hàng trăm người di cư tụ tập ở biên giới, gần thị trấn Horgos của Serbia và đụng độ với cảnh sát chống bạo động Hungary. Họ ném đá, chai lọ vào lực lượng an ninh và bị đáp trả bằng hơi cay, vòi rồng.
Một số đám cháy bùng lên. Xe chữa cháy và xe cứu thương được huy động tới hiện trường bên phía Serbia. Chính phủ Hungary cho biết 20 cảnh sát nước này bị thương do người di cư “sử dụng trẻ em làm lá chắn sống” để vượt qua một cổng rào.
Ông Amir Hassan, một người tị nạn Iraq, bức xúc cho biết: “Chúng tôi chạy trốn chiến tranh và bạo lực nên không mong đợi sự đối xử tàn bạo và vô nhân đạo như thế này ở châu Âu”.
Bộ Ngoại giao Serbia bất bình trước hành động trấn áp của sảnh sát Hungary. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng cho biết ông cảm thấy “bị sốc” vì cách cư xử “không thể chấp nhận” của Budapest đối với người tị nạn.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto lên án hành động “hiếu chiến” của một nhóm người di cư, đồng thời nhấn mạnh lực lượng an ninh của họ phải bảo vệ lãnh thổ khỏi “các cuộc xâm nhập bạo lực”. Phía Hungary cho biết đã bắt 29 người, bao gồm 1 "khủng bố".
Romania đã triệu Đại sứ Hungary hôm 16-9 để nhấn mạnh việc Budapest dựng hàng rào sang cả biên giới với Romania là hành động không đúng đắn về mặt chính trị và đi ngược lại tinh thần châu Âu.
Cùng ngày, Serbia trao công hàm phản đối chính thức cho Hungary do việc nước này sử dụng hơi cay trên lãnh thổ Serbia.
Sau khi đến thăm hiện trường, Bộ trưởng phụ trách vấn đề người tị nạn Aleksandar Vulin của Serbia cho biết sự thất vọng của người di cư là điều dễ hiểu bởi Hungary đóng cửa biên giới. “Hungary phải thể hiện rằng họ đã sẵn sàng và có khả năng tiếp nhận những người này” - ông Vulin nói.
Serbia đã triển khai cảnh sát tới khu vực cửa khẩu Horgos để ngăn người di cư tiếp tục tấn công lực lượng Hungary từ lãnh thổ của mình.
Đặc phái viên Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) Antonio Guterres kêu gọi nhà chức trách Hungary tiếp nhận và không cản trở những người tị nạn đang chạy trốn chiến tranh và khủng bố. Trong khi đó, Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cho biết Zagreb sẽ mở cửa đón người di cư tới Bắc Âu.
Hàng chục ngàn người tị nạn từ Trung Đông đã vượt biên vào Hungary để tới được khu vực Schengen của Liên minh châu Âu (EU) - vốn không hạn chế đi lại giữa các quốc gia thành viên.
Bình luận (0)