Việc ông Joe Biden chọn ông Jake Sullivan vào ghế cố vấn an ninh quốc gia cho thấy tình hình ở biển Đông - một trong những mặt trận cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay - sẽ vẫn là trọng tâm trong chính sách của Washington.
Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã đẩy mạnh chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) nhằm thách thức những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Hãng tin Bloomberg cho biết dưới thời ông Trump, tính riêng năm 2019, Hải quân Mỹ đã thực hiện 10 FONOP - một con số cao kỷ lục.
Theo ông Sullivan, con số trên sẽ được duy trì hoặc thậm chí gia tăng dưới thời của ông Biden. "Chúng ta cần phân bổ thêm khí tài và nguồn lực cho nỗ lực bảo đảm và củng cố tự do hàng hải ở biển Đông cùng các đồng minh" - ông Sullivan nhấn mạnh.
Không chỉ ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% diện tích biển Đông, Bắc Kinh còn quyết liệt chỉ trích Washington. "Trung Quốc hy vọng các nước ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, tôn trọng mong muốn của các nước trong khu vực, thay vì châm ngòi căng thẳng để tìm kiếm lợi ích" - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định trong cuộc họp với người đồng cấp của các nước trong khu vực hồi tháng 9.
Chiến đấu cơ F/A-18E chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan để thực hiện các chiến dịch trên biển Đông ngày 15-10 Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Những lập luận như trên nhiều khả năng cũng sẽ không được đón nhận khi ông Biden lên nắm quyền. Nhiều thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Biden vẫn nhớ rõ vào năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với ông Barack Obama, tổng thống Mỹ khi đó, rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa biển Đông.
Dù vậy, sau cuộc gặp tại Nhà Trắng nêu trên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục hoạt động quân sự hóa, viện lý do là để chống lại "sức ép quân sự gia tăng từ các nước ngoài khu vực".
Trong nỗ lực gia tăng sức ép lên Trung Quốc, theo Bloomberg, ông Biden có thể thuyết phục các nước đồng minh như Anh và Pháp hỗ trợ. Một quan chức cấp cao của Mỹ hồi tháng 7 tuyên bố Washington "luôn muốn thấy nhiều hơn nữa các nước có cùng chí hướng tham gia" chương trình FONOP trên biển Đông - theo Tập đoàn Truyền thông Úc (ABC).
Trên mặt trận thương mại, Reuters ngày 16-12 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết ông Biden sẽ tiếp tục sử dụng lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump đối với các nước đối đầu, như Trung Quốc và Iran. Thách thức của ông Biden, theo các nguồn tin, sẽ là xác định lần lượt các nhóm lệnh trừng phạt cần được giữ lại, hủy bỏ và mở rộng. Quá trình xem xét sẽ được bắt đầu ngay sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2021, với sự hỗ trợ từ hàng loạt cố vấn.
Thông tin trên được tiết lộ một ngày sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer kêu gọi ông Biden tiếp tục gây sức ép và sử dụng thuế quan làm đòn bẩy để "châm lửa dưới chân" Trung Quốc, buộc quốc gia này tuân theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo ông Lighthizer, Bắc Kinh đang thực hiện tốt một số nội dung của thỏa thuận nhưng vẫn còn một số nội dung chưa tốt, bao gồm chậm tiến độ thực thi cam kết mua hàng hóa Mỹ.
Điểm nóng mới
Theo thông tin độc quyền của Reuters, Mỹ đã cảnh báo các quốc đảo ở Thái Bình Dương về mối đe dọa an ninh nếu để công ty Trung Quốc Huawei Marine thực hiện dự án cáp internet ngầm dưới đáy biển tại khu vực này.
Các nguồn tin của Reuters cho biết Huawei Marine đã nộp đơn đấu thầu dự án cáp biển Đông Micronesia, một dự án trị giá 72,6 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hậu thuẫn. Cùng tham gia đấu thầu có các công ty Alcatel Submarine Networks (ASN, trụ sở tại Pháp), Nokia (Phần Lan) và NEC (Nhật Bản). Mục tiêu của dự án là cải thiện liên lạc giữa các đảo quốc Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati.
Huawei Marine gần đây đã tách khỏi Tập đoàn Công nghệ Huawei và hiện do Tập đoàn Hengtong (Trung Quốc) sở hữu phần lớn. Bản thân Huawei Marine nằm trong "Danh sách Thực thể" (thường gọi là danh sách đen) của Bộ Thương mại Mỹ và bị hạn chế mua hàng hóa cũng như công nghệ của Mỹ.
Dự án mới kể trên có thể được chia nhỏ song theo các nguồn tin, Huawei Marine đang có lợi thế vì đưa ra giá thầu thấp hơn các đối thủ hơn 20%. Tình hình càng thêm phức tạp khi cáp biển Đông Micronesia dự kiến kết nối với cáp ngầm HANTRU-1, vốn được chính phủ Mỹ sử dụng ban đầu. Theo Reuters, Mỹ đã gửi một công hàm bày tỏ các lo ngại chiến lược với FSM hồi tháng 7. Theo Hiệp ước Liên kết tự do, Washington chịu trách nhiệm về vấn đề quốc phòng của FSM.
Hải Ngọc
Bình luận (0)