Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đang nỗ lực phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế nghiêm trọng.
Khoản tài trợ từ Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) cho thấy những nỗ lực mới của Mỹ và Ấn Độ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Sri Lanka, nhất là sau khi Colombo vay Trung Quốc những khoản tiền khổng lồ để đầu tư vào các dự án cảng biển và đường cao tốc trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái.
Cảng container nước sâu phía Tây ở cảng Colombo là khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất của cơ quan chính phủ Mỹ tại châu Á và là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trên toàn cầu.
Cảng Colombo là một trong những cảng nhộn nhịp nhất ở Ấn Độ Dương do nằm gần các tuyến đường vận chuyển quốc tế. Gần một nửa số tàu container đi qua vùng biển của nước này.
Mỹ sẽ đầu tư 553 triệu USD cho một cảng biển ở Sri Lanka. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, dự án của Mỹ sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho Sri Lanka, với tiềm năng "biến cảng Colombo thành một trung tâm hậu cần đẳng cấp thế giới tại điểm giao nhau của các tuyến đường vận chuyển lớn và các thị trường mới nổi".
Giám đốc điều hành của DFC, ông Scott Nathan, cho biết khoản tài trợ 553 triệu USD của DFC cho cảng container ở phía Tây sẽ "mở rộng năng lực vận chuyển, tạo ra sự thịnh vượng hơn cho Sri Lanka mà không làm tăng thêm nợ chính phủ, đồng thời củng cố vị thế của các đồng minh của Mỹ trong khu vực".
Theo trang Bloomberg, khoản tài trợ nói trên là một phần trong kế hoạch tăng tốc đầu tư của DFC trên toàn cầu với tổng trị giá 9,3 tỉ USD vào năm 2023.
DFC cho biết cảng Colombo đã hoạt động gần hết công suất kể từ năm 2021 và cảng mới sẽ phục vụ các nền kinh tế đang phát triển ở vịnh Bengal.
DFC sẽ cấp khoản vay trực tiếp cho tập đoàn phát triển khu cảng, làm việc với các nhà tài trợ John Keells Holdings Plc và Adani Ports & Special Economic Zone.
Giám đốc điều hành của DFC, ông Scott Nathan (ngồi), chuẩn bị rời đi sau khi phát biểu tại Colombo, Sri Lanka, ngày 8-11. Ảnh: AP
Trả lời với các phóng viên ở cảng Colombo, ông Scott Nathan cho biết: "Ưu tiên hàng đầu của Mỹ là hoạt động tích cực ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Rõ ràng đây là động lực tăng trưởng kinh tế cho thế giới".
DFC được thành lập cách đây 5 năm, là một cơ quan tài chính phát triển được thành lập dưới thời chính quyền tổng thống Trump, nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đồng thời thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 2,2 tỉ USD vào Sri Lanka, trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở nước này. Các quan chức Mỹ đã chỉ trích hoạt động không bền vững tại cảng Hambantota ở phía Nam Sri Lanka và cho rằng đó là một phần của cái mà họ gọi là "ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc.
Bình luận (0)