Hôm 29-3, cô Ivanka Trump trở thành “trợ lý đặc biệt” (không nhận lương) cho cha mình, vài ngày sau khi có thông tin cô sẽ có một văn phòng riêng ở Nhà Trắng. Theo đài MSNBC, đây là sự thay đổi khá chóng vánh bởi khi trả lời đài CBS ngay sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, cô Ivanka nhấn mạnh sẽ không tham gia chính quyền nếu cha mình thắng cử. Dù vậy, không lâu sau khi ông Trump nhậm chức, người ta thấy cô dự cuộc gặp với một số nhà lãnh đạo nước ngoài tại Nhà Trắng bất chấp việc hầu như không có chút kinh nghiệm đối ngoại nào.
Dĩ nhiên vai trò gia tăng của Ivanka khiến làn sóng phản đối dâng lên, xuất phát từ thắc mắc liệu có sự vi phạm về luật liên bang chống gia đình trị và nguy cơ xung đột lợi ích hay không. Phe chỉ trích không phải không có cơ sở bởi Ivanka hiện không có ý định từ bỏ quyền sở hữu thương hiệu thời trang.
“Vấn đề cốt lõi ở đây là liệu cô ta có can dự vào những chuyện có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của gia đình mình hay không” - ông Larry Noble, cố vấn pháp lý của tổ chức Campaign Legal Center (Mỹ), nói với trang Bloomberg. Ngoài ra, những người khác hoài nghi về năng lực, kinh nghiệm chính trường của cô hoặc chỉ trích cô không làm gì nhiều để chương trình nghị sự của cha mình bớt bảo thủ hơn. Hãng tin AP nhận định Ivanka cho đến giờ vẫn tránh đưa ra những phát biểu công khai về một loạt chính sách gây tranh cãi của cha, như sắc lệnh hạn chế nhập cảnh, kế hoạch xây bức tường ở biên giới, đề xuất giảm ngân sách hoặc bỏ những quy định về chống biến đổi khí hậu.
So với cô vợ Ivanka, ông Jared Kushner thậm chí còn nắm nhiều vai trò hơn trong Nhà Trắng. Ngoài vị trí cố vấn cấp cao của ông Trump, người đàn ông 36 tuổi vừa được cha vợ trao thêm chức vụ vào đầu tuần này: lãnh đạo Văn phòng Nhà Trắng về Đổi mới nước Mỹ - mới được thành lập với sứ mệnh biến chính phủ liên bang vận hành giống một doanh nghiệp hơn. Tờ The New York Times đánh giá sự trỗi dậy của vợ chồng Kushner giúp phe ôn hòa có thêm sức mạnh để làm đối trọng với phe theo đường lối chủ nghĩa dân tộc tại Nhà Trắng, do chiến lược gia trưởng Stephen K. Bannon và cố vấn chính sách Stephen Miller đứng đầu.
Việc không có đủ người trung thành hoặc đáng tin cậy quanh mình có lẽ là một phần lý do buộc ông Trump phải dựa vào người nhà. Lên nắm quyền không bao lâu, tổng thống Mỹ dường như không, hoặc chưa, có niềm tin vào nhiều quan chức nhánh hành pháp, nhất là sau một loạt rắc rối thời gian qua. Vì thế, một loạt thông báo trong tuần này cho thấy ông Trump chính thức công nhận lòng trung thành và giá trị của “cặp đôi quyền lực” đang nổi ở Washington. “Con cái của tổng thống có quyền lực độc nhất vô nhị. Đó là thứ quyền lực mà ông Bannon hoặc Reince Priebus (chánh văn phòng Nhà Trắng) không có” - ông Doug Wead, từng là cố vấn cho cả 2 cựu tổng thống George H.W. Bush và George W. Bush, nhận định với tờ The New York Times.
Bình luận (0)