Trước ngày 10-3 vừa qua, ngoài châu Mỹ La tinh, ít ai biết đến ông Carlos Slim. Nhưng sau khi tạp chí Mỹ Forbes công bố ông Slim là người giàu nhất thế giới năm 2010 (với số tài sản ước tính 53,5 tỉ USD) soán ngôi tỉ phú Mỹ lừng danh Bill Gates, thì người ta giật mình tự hỏi tại sao một nước đang phát triển (gọi nôm na là nước nghèo) lại có thể sản sinh người giàu nhất thế giới?
Xưa nay trong top 10 người giàu nhất thế giới của Forbes, tất cả là người Mỹ hoặc châu Âu thuộc các nước phát triển giàu có lâu năm. Nhưng năm nay, trong danh sách này, ngoài tỉ phú Mexico Carlos Slim, ông vua ngành viễn thông, còn có hai người Ấn Độ.
26 tuổi đã có 40 triệu USD
Carlos Slim Helú, tên đầy đủ của Carlos Slim, năm nay tròn 70 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thủ đô Mexico. Julian Slim Haddad, cha ông, là người Lebanon di cư đến Mexico năm 1902 lúc 14 tuổi trơ trọi một mình và không biết nói tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính ở Mexico. Mẹ ông là Linda Helú, người Mexico gốc Lebanon.
Trong cuộc cách mạng Mexico 1910-1920, cha ông Slim làm giàu nhờ buôn bán nhà đất. Năm 12 tuổi, ông được cha cho một số tiền tương đương 20 USD. Ông dùng số tiền này để kinh doanh, nhân lên số vốn nhỏ bé của mình. Năm 17 tuổi, ông đã rành rọt về đầu tư chứng khoán.
Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công chánh tại Trường Đại học tự trị quốc gia Mexico, năm 26 tuổi ông Slim đã có trong tay 40 triệu USD nhờ kinh doanh địa ốc và đầu tư chứng khoán. Bản lĩnh làm giàu của ông Slim trong thời buổi kinh tế khó khăn đã bắt đầu lộ rõ hồi đầu thập niên 1980 khi nền kinh tế châu Mỹ La tinh rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Ông mua lại một loạt công ty sắp phá sản với giá rất thấp rồi bán lại, lãi gấp nhiều lần. Nhưng thành công lớn nhất là việc ông đứng đầu một nhóm nhà đầu tư trong đó có France Télécom (Pháp) và Southwestern Bell Corporation (Mỹ), mua lại hai công ty điện thoại quốc doanh Telmex và Telnor trong một cuộc đấu thầu công khai dưới thời tổng thống Carlos Salinas. Hiện 90% điện thoại hữu tuyến thuộc về Telmex.
Carlos Slim: “Tôi cho quả chứ không cho cây”. Ảnh: REUTERS
Công ty Điện thoại di động América Móvil của ông cũng mua lại nhiều công ty điện thoại di động ở châu Mỹ La tinh và hiện trở thành nhà cung cấp dịch vụ mạng di động lớn nhất trong vùng với hơn 100 triệu thuê bao. Vì vậy, người ta thường gọi ông là vua viễn thông ở châu Mỹ La tinh.
Nhưng ông Slim không chỉ thành đạt trong lĩnh vực viễn thông. Trong tay ông hiện có hơn 200 công ty đủ ngành nghề mà công ty nào cũng làm ăn có lãi. Năm 2009, trong khi những công ty khác khốn đốn vì cuộc đại khủng hoảng tài chính toàn cầu thì các công ty của ông lãi 18,5 tỉ USD giúp ông hạ bệ Bill Gates một cách sít sao nhưng ngoạn mục (53,5 tỉ USD so với 53 tỉ USD).
Sống khiêm tốn
Giàu nứt đố đổ vách nhưng ông Slim sống một cuộc sống hết sức bình thường. Ông mặc những bộ quần áo rẻ tiền, đeo đồng hồ nhựa. Ông cũng không sắm xe hơi đắt tiền hay máy bay riêng.
Ông Slim dư sức sắm máy tính xách tay đời mới nhất nhưng ông thích những cuốn sổ tay hơn: “Tôi là người thích hợp với giấy chứ không thích hợp với máy móc điện tử”. Sở thích của ông không nhiều. Ông mê môn bóng chày, hút thuốc xì gà và uống nước ngọt dành cho người ăn kiêng.
Việc ông Slim trở thành người giàu nhất thế giới làm dấy lên niềm tự hào xen lẫn lòng căm phẫn của người dân Mexico. Tài sản khổng lồ của ông Slim kiếm được trong một đất nước hãy còn nghèo như Mexico tất nhiên đã gây nhiều tranh cãi.
Hãng tin AP, dẫn lời Ernesto Villanueva, 45 tuổi, cư dân thành phố Mexico: “Hệ thống chính trị Mexico không tốt. Tham nhũng tràn lan trong giới có thế lực cho nên mới đẻ ra một vài người giàu có không thể tưởng và hàng triệu người nghèo đói”.
Hơn 50 triệu trong số 107 triệu dân Mexico sống nghèo khổ, không đủ tiền trả tiền nhà, tiền đi lại, tiền con cái đi học và các thứ tiền bình thường khác. Trong số này có 19,5 triệu người sống dưới mức nghèo khổ tức không có tiền mua đủ thức ăn.
Carlos Slim bị chỉ trích nhiều nhất về chuyện độc quyền giết chết các công ty nhỏ. Cụ thể, Công ty Điện thoại Telmex mà ông và gia đình chiếm giữ 49,1% cổ phần và chiếm 90% thị trường Mexico, bắt khách hàng trả phí cao nhất thế giới, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Giàu là trách nhiệm
Ông Slim không hề lúng túng trước chỉ trích nói trên: “Khi anh sống theo dư luận, anh sẽ chết”. Ông cũng không quan tâm đến thứ hạng của mình trong danh sách Forbes. Khi được yêu cầu giải thích việc tài sản của ông tăng lên một cách bất ngờ trong cuộc họp báo ngay sau khi Forbes công bố danh sách những người giàu nhất thế giới, ông Slim trả lời: “Thị trường chứng khoán có lên có xuống. Tài sản của tôi có thể xuống một cách nhanh chóng”.
Có một điều khác biệt giữa Slim và Gates hay Buffet (giàu thứ nhì và thứ ba thế giới) là Slim không bỏ ra tiền tỉ để làm từ thiện. Đầu năm nay, ông tuyên bố tặng 65 triệu USD để nghiên cứu về bệnh ung thư, bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh thận ở Mexico và châu Mỹ La tinh.
Carlos Slim quan niệm rằng “giàu có cần được xem là trách nhiệm chứ không phải là đặc ân. Trách nhiệm đó là tạo ra sự giàu có lớn hơn. Nó giống như một vườn cây ăn quả. Tôi cho quả chứ không cho cây”.
Kỳ tới: Nữ tỉ phú số 1 Ấn Độ
Bình luận (0)