Bride’s Pool (Hồ tân nương)
Vào ban ngày, hồ này cùng với một thác nước tọa lạc gần khu vực Tai Mei Tuk ở công viên Plover Cove Country vẽ nên một bức tranh thơ mộng. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống và giông bão ập đến, khung cảnh lãng mạn nói trên nhanh chóng biến thành một bầu không khí ma mị, lạnh lẽo.
Theo lời kể, một cô dâu được đưa bằng kiệu đến gặp chú rể trong mưa bão. Tuy nhiên, khi đi qua hồ này, một người khiêng kiệu không may trượt chân khiến tất cả ngã xuống nước. Hậu quả là cô dâu chết đuối do trang phục cồng kềnh và thi thể lẫn kiệu của cô vẫn chưa được tìm thấy. Đến thời điểm hiện tại, một số người khẳng định họ đã nhìn thấy một cô gái trong trang phục màu đỏ ngồi chải tóc bên bờ hồ.
Bride’s Pool là một trong những địa danh bị đồn ma ám nổi tiếng nhất Hồng Kông. Ảnh: South China Morning Post (SCMP).
Được cho là lấy tên từ thảm kịch cô dâu nói trên, Bride’s Pool là một trong những địa điểm bị đồn ma ám ghê rợn nhất ở Hồng Kông. Người ta đồn rằng những linh hồn dưới hồ Bride’s Pool đã kéo nhiều nạn nhân xuống nước để bớt cô đơn.
Nhiều người đồn rằng linh hồn của cô dâu vẫn chưa được siêu thoát và thường xuyên lang thang trong khu vực, đặc biệt là tại một cung đường được gọi là "khúc cua tử thần" – nơi xảy ra hàng loạt vụ tai nạn chết người.
Vào tháng 2, một chiếc xe tông vào một cái cây trên đường Bride’s Pool và bốc cháy. Tháng 11 năm ngoái, một cậu cậu bé 12 tuổi nhập viện vì tai nạn xe đạp trong khu vực. Theo sau 2 vụ tai nạn nói trên cùng nhiều vụ việc đau lòng khác, khu vực này đã bị Cơ quan Hỗ trợ Dân sự cùng với Cục Nông nghiệp, Cá và Bảo tồn Hồng Kông đưa vào danh sách "những khu vực đen", hay còn được gọi là những khu vực rủi ro cao.
Nhiều người khẳng định họ đã nhìn thấy một cô gái mặc đồ đỏ chải tóc bên bờ hồ vào ban đêm. Ảnh: SCMP
Khu Tiu Keng Leng
Tiu Keng Leng, trước đây được gọi là Diu Keng Leng, tọa lạc tại quận Sai Kung ở phía Đông Bắc của Tân Giới.
Được thành lập vào ngày 26-6-1950, Tiu Keng Leng từng là một ngôi làng tị nạn. Người ta đồn rằng khu vực từng bị bỏ hoang này được đặt theo tên của một công dân Canada tên Albert Herbert Rennie, người được cho là đã treo cổ vào năm 1908. Tuy nhiên, theo một lời đồn khác, người này đã nhảy xuống biển Lei Yue Mun, cách Diu Keng Leng vài km, để tự sát vì kinh doanh thất bại.
Tiu Keng Leng từng là một ngôi làng tị nạn với 7.000 người. Ảnh: SCMP
Đến năm 1961, chính quyền Hồng Kông công bố kế hoạch tái định cư đối với Tiu Keng Leng, cho phép khu vực xập xệ này phát triển cơ sở hạ tầng. Có mối quan hệ mạnh mẽ với chính quyền Đài Loan, khu vực này thỉnh thoảng được ví như một "Đài Loan thu nhỏ".
Làng tị nạn Tiu Keng Leng biến mất trước khi Anh chính thức trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Khoảng 7.000 dân làng Tiu Keng Leng bị yêu cầu rời đi để mở lối cho quá trình phát triển khu Tseung Kwan O New Town. Khu vực này hiện vẫn còn 3 chung cư công cộng cũ là Kin Ming Estate, Choi Ming Court và Shin Ming Estate.
Người ta đồn rằng khu vực này được đặt theo tên của một công dân Canada, người được cho là đã treo cổ tự tử. Ảnh: SCMP
Hồ sen ở CUHK
Một trong những khu vực nổi tiếng nhất tại trường ĐH Trung văn Hương Cảng (CUHK) là Hồ Ad Excellentiam, thường được gọi là Hồ sen.
Hồ này được xây dựng vào những năm 1960 và được cho là nơi kết thúc của một chuyện tình bị ngăn cấm đầy bi kịch. Theo lời kể, một cô gái đã đến hồ này chờ người yêu để cùng nhau bỏ trốn. Tuy nhiên, chàng trai không xuất hiện như đã hẹn và cô gái đã nhảy xuống hồ tự vẫn vì quá đau buồn. Mọi việc xảy ra khi hồ này tràn ngập hoa sen nở rộ, loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp và tâm linh.
Người ta đồn rằng hồn ma của cô gái thi thoảng hiện về vào giữa đêm và hỏi giờ những ai đến gần hồ. Tuy nhiên, có một điều luật bất thành văn mà nhiều người đồn đại là nam giới không được trả lời nếu không muốn bị hồn ma này nắm tay và kéo xuống nước.
Hồ sen ở CUHK bị đồn là địa điểm mà một cô gái tự kết liễu đời mình để kết thúc chuyện tình bi kịch. Ảnh: SCMP
Khu Sau Mau Ping
Tọa lạc tại quận Kwun Tong trên bán đảo Cửu Long, Sau Mau Ping từng là một ngôi làng hứng chịu thảm họa sạt lở đẫm máu vào ngày 18-6-1972, khiến 71 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
Khu vực này từng được nhiều người gọi là "So Mo Ping" (khu vực quét mộ) vì nơi đây vốn là một nghĩa trang xuyên suốt Thế chiến II.
Giới chức sau đó đã đổi So Mo Ping thành Sau Mau Ping (xinh đẹp và thịnh vượng). Hiện tại, nơi đây là điểm tọa lạc của Sau Mau Ping Estate, một trong những chung cư công cộng lâu đời nhất của quận Kwun Tong.
Được bắt đầu phát triển vào năm 1964, khu vực này hiện có 18 lốc, cung cấp 12.310 căn hộ cho 35.000 cư dân. Vì lịch sử thảm khốc, bệnh viện gần đó thường bị đồn là một trong những địa điểm bị ma ám ghê rợn nhất ở Hồng Kông.
Sau Mau Ping từng là một ngôi làng hứng chịu thảm họa sạt lở đẫm máu vào ngày 18-6-1972, khiến 71 người thiệt mạng. Ảnh: SCMP
Bình luận (0)