Ra tòa trong bộ vest xanh sậm, ông Assange lắng nghe bản cáo trạng kéo dài 10 phút rất chăm chú, tuy nhiên ông không hề biểu lộ cảm xúc khi tòa tuyên phán quyết.
Bản thân người sáng lập WikiLeaks không bình luận gì nhưng từ Thụy Điển, luật sư Bjorn Hurtig phát biểu thay thân chủ: “Phán quyết trên cũng không hoàn toàn ngoài dự đoán”.
Julian Assange tại tòa ngày 2-11. Ảnh: Reuters
Ông Assange có 2 tuần để kháng cáo lần cuối lên Tòa án Tối cao Anh. Tuy nhiên, bất cứ kháng cáo nào lên Tòa án Tối cao Anh cũng phải dựa trên lợi ích công cộng, đồng thời, muốn kháng cáo cũng phải được phép của Tòa Dân sự Tối cao London.
Nếu ông Assange không kháng cáo, ông sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển. Tại đây, các nhà chức trách sẽ điều tra về cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục 2 phụ nữ vốn là người hoạt động tình nguyện cho WikiLeaks trước đây.
Ông Assange bị bắt ở Anh 11 tháng trước sau khi trang web bom tấn do ông sáng lập tiết lộ hàng ngàn điện tín mật của ngành ngoại giao Mỹ, gồm 391.832 tài liệu mật về cuộc chiến Iraq và 77.000 tài liệu mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến Afghanistan. Tuy được tại ngoại nhưng ông chủ WikiLeaks bị giám sát gắt gao.
Từ đó đến nay, WikiLeaks tiếp tục giải mật khoảng 250.000 điện tín cá nhân được trao đổi hàng ngày giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và hơn 270 nhà ngoại giao của nước này trên khắp thế giới, gây ra không ít sóng gió. Do đó, ông Assange cáo buộc Mỹ gây áp lực với Anh, Thụy Điển và cả báo giới để tìm cách dẫn độ ông về Thụy Điển và sau đó là Mỹ.
Bên cạnh chuyện pháp lý, Assange cũng đang đối mặt với nguy cơ đóng cửa WikiLeaks do cạn kiệt tài chính. Tháng 10-2011, ông tuyên bố ngừng đăng tải các điện tín mật trên WikiLeaks để dùng chính trang web này gây quỹ tiếp tục hoạt động.
Bình luận (0)