Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng sáng 12-12 sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Malaki, ông Obama tuyên bố: "Sau gần 9 năm, cuộc chiến của Mỹ tại Iraq sẽ chấm dứt trong tháng này. Đây là cột mốc mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước và từ nay, Iraq mới sẽ tự quyết định số phận của mình".
Tổng thống Obama và Thủ tướng Malaki tại cuộc họp báo tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Iraq. Ảnh: Reuters
Với tuyên bố này, ông Obama khẳng định đã làm tròn trách nhiệm đối với cử tri khi tuyên bố ông sẽ tìm cách kết thúc sớm cuộc chiến tranh Iraq trong thời gian vận động tranh cử năm 2008.
Ông Obama xác nhận Iraq đã có những bước tiến dài, nhưng vẫn còn nhiều thách thức an ninh phía trước. Ông cũng khuyến cáo các quốc gia láng giềng không can thiệp vào nội bộ của Iraq và cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Iraq phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực dầu khí.
“Sự hiện diện mạnh mẽ của chúng tôi tại Trung Đông sẽ tiếp tục được duy trì dù binh lính được rút về. Mỹ sẽ không bao giờ lơ là việc bảo vệ đồng minh, đối tác cũng như các lợi ích chiến lược của Mỹ” – ông Obama nhấn mạnh. Thông điệp này được xem là đặc biệt được dành cho Iran.
Đáp lại, Thủ tướng Iraq Malaki mong muốn Mỹ tiếp tục hợp tác với Iraq về an ninh, chống khủng bố, huấn luyện và trang bị cho các lực lượng của quốc gia Trung Đông này. Mỹ cũng xác nhận sẽ bán vũ khí cho Iraq, trước mắt là hợp đồng bán 18 chiến đấu cơ F-16 được công bố ngày 12-12.
Chuyến thăm Mỹ và cuộc hội đàm của Thủ tướng Iraq với ông Obama diễn ra trong bối cảnh khoảng 6.000 lính chiến cuối cùng của Mỹ đang chuẩn bị rút khỏi Iraq trước thời hạn chót 31-12-2011. Sau ngày 31-12, Mỹ duy trì khoảng 50.000 binh lính chuyên làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và cung cấp tin tức tình báo cho các lực lượng của Iraq.
Tổng số lính Mỹ từng tham chiến tại Iraq 9 năm qua là khoảng 1 triệu người, lúc cao điểm nhất vào năm 2007 có đến 170.000 lính Mỹ đồn trú tại Iraq.
NATO kết thúc sứ mệnh Iraq
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussenn ngày 12-12 tuyên bố sứ mệnh huấn luyện các lực lượng an ninh Iraq kéo dài 7 năm qua sẽ kết thúc vào cuối tháng 12. “NATO đã quyết định rút vĩnh viễn nhân sự đảm nhận sứ mệnh huấn luyện tại Iraq vào ngày 31-12-2011" – ông Rasmussenn nói.
Theo ông Rasmussen, sứ mệnh của NATO nhằm giúp phát triển một lực lượng an ninh đa sắc tộc và bền vững hơn. Kể từ năm 2004 đến nay, NATO đã đào tạo được 5.000 nhân viên quân đội và 10.000 cảnh sát tại Iraq. |
Bình luận (0)