Chiến thuật của IS
Tư lệnh lực lượng quốc phòng Úc Mark Binskin hôm 27-2 so sánh các loại xe mà IS sử dụng để đánh bom cảm tử ở TP Mosul giống những phương tiện xuất hiện trong bộ phim “Mad Max” của đạo diễn George Miller.
Xung quanh xe có rất nhiều kẽ hở để tài xế quan sát xung quanh. Tất cả được dùng cho mục đích đánh bom tự sát. Ngoài xe cộ, IS cũng đẩy mạnh sử dụng UAV trang bị lựu đạn và các loại vũ khí nhỏ khác ở phía Tây TP Mosul.
“Phương tiện của IS đủ để tạo nên sức tàn phá và giết chết bạn” – ông Binskin cho biết. “Mặc dù tồn tại những hạn chế nhưng trong khu vực chiến trường đô thị, chúng là cả một vấn đề lớn”.
Cũng theo ông Binskin, quân đội Iraq đang sử dụng một loạt các chiến thuật chống lại các cuộc tấn công như vậy nhưng không tiết lộ chi tiết.
Cách đây gần 2 tuần, liên quân Iraq mở chiến dịch tái chiếm phía Tây TP Mosul từ tay IS. Họ đã kiểm soát sân bay trong thành phố, một căn cứ quân sự liền kề và các vùng phụ cận từ rìa phía Nam. Hồi tháng 1, Baghdad tuyên bố giải phóng hoàn toàn khu vực phía Đông TP Mosul sau 3 tháng giao tranh ác liệt.
Trong khi đó, Úc hiện cung cấp chiến đấu cơ cho liên quân do Mỹ dẫn đầu vốn đang hỗ trợ quân đội Iraq chống lại IS. TP Mosul là thành trì cuối cùng của tổ chức này tại Iraq. Nếu để mất thành phố, IS có thể xem như thất bại trong việc thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” ở Iraq.
Đấu pháp của Anh
Tờ Daily Mail hôm 28-2 đưa tin Anh cũng đang phát triển loại vũ khí điều khiển từ xa mới để bắn hạ UAV của các nhóm thánh chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon tin tưởng loại vũ khí này sẽ hiệu quả trong việc chống lại các cuộc tấn công từ trên không của IS.
Bộ trưởng Fallon khẳng định loại trực thăng không người lái mà nước ông đang chế tạo có thể bắn hạ vũ khí điều khiển từ xa, bao gồm UAV, của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ưu điểm của trực thăng không người lái, đó là khả năng hoạt động lâu dài và tốc độ nhanh, giảm thiểu rủi ro cho phi công.
Đây là một phần của chương trình nghiên cứu UAV kéo dài 2 năm, có tổng vốn đầu tư 8 triệu bảng Anh (gần 10 triệu USD) do Bộ Quốc phòng Anh hợp tác với Công ty Leonardo.
Trong một bài phát biểu tại Trường ĐH Oxford trước các kỹ sư và học giả, ông Fallon dự báo: “Khoa học viễn tưởng sẽ thay thế cho khoa học thực tiễn. Kỷ nguyên chiến tranh bằng phương tiện không người lái đang đến gần”.
Bên cạnh vũ khí không người lái, quân đội Anh cũng tìm cách chế tạo thiết bị tự hành dưới nước với khả năng hoạt động êm ái, dựa trên một số đặc tính của loài cá voi. Ngoài ra, lĩnh vực bảo vệ không gian cũng được London chú trọng. Ông Fallon cảnh báo không gian là một chiến trường khác nhưng quân đội Anh sẵn sàng bảo vệ lĩnh vực mới mẻ này.
Cụ thể, Anh đã thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu và phát triển vũ khí sử dụng trong không gian để “chống lại chủ nghĩa khủng bố tàn bạo”. Ông Fallon nói Bộ Quốc phòng Anh sẽ tuyển dụng các chuyên gia trên toàn thế giới đóng góp cho dự án.
Hai trong số những người tham gia đơn vị trên là phi hành gia chính thức đầu tiên của Anh Tim Peake và doanh nhân Ron Denni – cựu Chủ tịch tập đoàn công nghệ McLaren.
“Không gian, giống như không gian mạng, là chiến trường kế tiếp. Đối thủ của chúng tôi đang quan sát xem làm thế nào họ có thể cạnh tranh trong không gian nên chúng tôi phải sẵn sàng cho điều đó. Các quốc gia khác cũng đang đầu tư rất mạnh vào không gian, phóng vệ tinh cùng với các ứng dụng quân sự. Chúng tôi chắc chắn có thể đối phó với vấn đề đó” – ông Fallon cho biết.
Bình luận (0)